Ngày đăng: 20/02/2017 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 2378


     

TIỀN THƯỞNG, PHỤ CẤP HỖ TRỘ NHÂN VIÊN CÓ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ HỢP LÝ KHI TÍNH THUẾ TNDN? TNCN KHÔNG?

lai_suat

Tiền thưởng, phụ cấp, hỗ trợ nhân viên có được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN? Những khoản tiền thưởng, phụ cấp có tính thuế TNCN không?KẾ TOÁN HÀ NỘI xin giải đáp các vướng mắc đó của các bạn.

Hàng năm doanh nghiệp chi rất nhiều cho việc hỗ trợ nhân viên để khuyến khích người lao động làm việc như: Chi thưởng, chi nghỉ mát, chi hỗ trợ, chi phụ cấp, chi phí đào tạo nhân viên, chi hỗ trợ đi lại ….Vậy những khoản chi này cần những giấy tờ gì để được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN, Và những khoản tiền thưởng, phụ cấp, hộ trợ đó có chịu thuế TNCN không?

I. Quy định về thuế TNDN:

Theo Thông tư 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 (Sửa đổi, bổ sung Thông tư 78/2014/TT-BTC):

“Điều 4.Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.6. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng, chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thoả ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.”

2.30. Các khoản chi không tương ứng với doanh thu tính thuế, trừ các khoản chi sau:

– Khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động; chi bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tự nguyện khác cho người lao động (trừ khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.6, bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động hướng dẫn tại điểm 2.11 Điều này) và những khoản chi có tính chất phúc lợi khác. Tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

– Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động không đủ 12 tháng thì: Việc xác định 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế được xác định bằng quỹ tiền lương thực hiện trong năm chia (:) số tháng thực tế hoạt động trong năm.

– Quỹ tiền lương thực hiện là tổng số tiền lương thực tế đã chi trả của năm quyết toán đó đến thời hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán theo quy định (không bao gồm số tiền trích lập quỹ dự phòng tiền lương của năm trước chi trong năm quyết toán thuế).

NHƯ VẬY:

– Các khoản tiền lương, tiền thưởng, tiền hỗ trợ người lao động sẽ được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu:

Những khoản chi đó được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại 1 trong những văn bản sau của DN:

+ Hợp đồng lao động

+ Thoả ước lao động tập thể

+ Quy chế tài chính của DN.

+ Quy chế thưởng do GĐ quy định theo quy chế tài chính của DN.

Ngoài ra còn cần thêm:

– Quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

– VD: Cử nhân viên đi công tác thì cần có: Quyết định cử đi công tác, và trong quy chế lương thưởng cũng phải quy định về chi phí đi công tác

– VD: Chi phí hỗ trợ tiền điện thoại phải có: Quyết định của GĐ nói rõ hỗ trợ những ai, hỗ trợ bao nhiêu, và trong quy chế lương thưởng cũng phải quy định cụ thể việc này.

Nhưng Chú ý:

1. Những khoản chi có tính chất phúc lợi nêu trên thì không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN.

2. Quy định về chi phí trang phục:

+ Nếu chi bằng hiện vật sẽ được tính toàn bộ vào chi phí. (Nếu có hóa đơn, chứng từ)

+ Nếu chi bằng tiền thì không được vượt quá 05 triệu đồng/người/năm.

+ Nếu chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật: Thì mức chi tối đa đối với chi bằng tiền không vượt quá 05 (năm) triệu đồng/người/năm, bằng hiện vật phải có hóa đơn, chứng từ.

(Theo khoản 2.7 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 6/8/2015)

3. Quy định về khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác:

+ Bỏ mức khống chế đối với khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, DN được tính vào chi phí được trừ nếu có hóa đơn, chứng từ theo quy định.

+ Nếu DN có khoán phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của DN thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán.

 (Theo khoản 2.9 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)

 

4. Bỏ mức khống chế 1 triệu/tháng/người đối với khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho NLĐ.

(Theo khoản 2.6 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC)

II. Quy định về thuế TNCN:

Theo Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 quy định:

"Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:

b.4) Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

b.5) Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

b.6) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, mức hưởng chế độ thai sản, mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp và các khoản trợ cấp khác theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội.

c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…

e) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền dưới mọi hình thức, kể cả thưởng bằng chứng khoán

NHƯ VẬY:

A. Hầu như tất cả các khoản tiền thưởng, tiền phụ cấp, tiền hỗ trợ đều là thu nhập chịu thuế TNCN.

B. Chỉ có những khoản phụ cấp sau là được miễn thuế TNCN:

1. Tiền phụ cấp tiền ăn ca không vượt quá 680.000/tháng (Nếu vượt quá thì phần cao hơn sẽ phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN). Từ ngày 15/10/2016 đã được tăng lên: 730.000 đồng/người/tháng.

(Nếu DN trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn thì khoản này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)

2. Tiền phụ cấp trang phục không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm

– Nếu chi trang phục cả bằng tiền và hiện vật thì mức chi tối đa để tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không vượt quá 5.000.000 đồng/người/năm. (Nếu vượt quá sẽ tính vào thu nhập chịu thuế TNCN)

(Theo điểm b.2.1 khoản 1 điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC)

3. Tiền phụ cấp điện thoại, công tác phí không vượt quá mức quy định của DN (Tùy từng chức vụ, cụ thể các bạn phải xây dựng quy chế, nếu vượt quá mức quy định sẽ phải tính thuế TNCN và loại ra khỏi chi phí).

– Tìm hiểu thêm về khoản phụ cấp này: Hiện tại theo Quyết định 17/VBHN-BTC ngày 4/3/2014 quy định chỉ áp dụng đối với những cán bộ lãnh đạo từ cấp quận, huyện, thi xã trở lên. Chứ không quy định đối với Doanh nghiệp.

4. Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế TNDN theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN.

– (Quy đinh về thuế TNDN hiện hành là: Khoản chi này không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của DN)

(Theo Khoản 5 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư  111/2013/TT-BTC)

5. Tiền phụ cấp thuê nhà không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế TNCN (chưa bao gồm tiền thuê nhà)

6. Tiền làm thêm giờ vào ngày nghỉ, ngày lễ, làm việc ban đêm ĐƯỢC TRẢ CAO HƠN so với ngày bình thường.

VD: Ngày thường lương là 100.000. Nhưng do làm việc vào ngày nghỉ nên được cộng thêm 300% nữa là 300.000 -> Thì phần 300.000 này được miễn thuế (Chỉ tính 100.000 của ngày làm việc đó)

Lưu ý: Khi nào chi trả cho người lao động các bạn kế toán tại DN nhớ là phải tính thuế TNCN của những khoản này nhé (Kê khai tại thời điểm chi trả nhé, tức là trả vào tháng nào thì phải kê khai vào tháng đó).

III. Cách hạch toán các khoản tiền thưởng, phụ cấp cho nhân viên:

– Khi tính các khoản thưởng cho người lao động.

Nợ TK 642, 641

      Có TK 334

– Khi thanh toán tiền thưởng cho người lao động:

Nợ TK 334, 3335

      Có TK 111, 112./.

Xem thêm:

>> Doanh nghiệp thưởng tết nguyên đán cho nhân viên có được tính vào chi phí được trừ không?

>> Điều kiện để đưa chi phí lương tháng thứ 13 vào chi phí hợp lệ