Ngày đăng: 06/11/2014 | Chuyên mục: Tin tức | Lượt xem: 1949


     

TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ THƯỜNG GẶP 

   Giải đáp các tình huống thường gặp trong nghề kế toán ! Giúp các bạn có thể xử lý các tình huống nghiệp vụ kế toán gặp phải!

Câu hỏi 26:

    Công ty tôi có đầu tư dự án mua sắm thiết bị. Phần thiết bị đã đấu thầu, còn phần chi phí lập hồ sơ mời thầu, chi phí lập dự án do công ty tự làm. Khi thanh toán đã có chứng từ mua văn phòng phẩm, bảng chấm công tính lương. Tôi hỏi sau khi công trình hoàn thành công ty có phải viết hóa đơn GTGT đầu ra (đối với XDCB tự làm) và hạch toán doanh thu XBCB tự làm không?

Trả lời:

     Ban quản lý dự án đầu tư của doanh nghiệp trong cả hai trường hợp tổ chức hạch toán chung hay hạch toán riêng cũng không phải là pháp nhân độc lập mà chỉ thực hiện các công việc của doanh nghiệp giao. Về bản chất doanh nghiệp vẫn là chủ đầu tư, vì vậy không xuất hóa đơn và không ghi doanh thu đối với phần XDCB do doanh nghiệp tự làm.

Câu hỏi 27:

    Công ty tôi là công ty TNHH một thành viên A (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ) tiến hành thuê đất tại KCN Mỹ Phước 3 có ký hợp đồng nguyên tắc (Hợp đồng nguyên tắc là cơ sở để sau này ký hợp đồng thuê đất chính thức có quy định trong Hợp đồng nguyên tắc ) và đã thanh toán tiền thuê theo tiến độ được 3 đợt. Xin hỏi :

     1. Trong thời gian chờ giấy Chứng nhận đầu tư tại Việt Nam, công ty mẹ tại nước ngoài đã chuyển tiền theo tiến độ theo hợp đồng nguyên tắc như vậy có đúng quy định không ? Rồi ban quản lý KCN Mỹ Phước 3 cũng chưa xuất hóa đơn GTGT như vậy có đúng không ?

     2. Đề nghị cho ý kiến hạch toán những nghiệp vụ thanh toán tiền này ?

Trả lời:

     Trong trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài chuyển tiền thanh toán theo tiến độ ghi trên hợp đồng và hoạt động cho thuê chưa diễn ra thìm:

      1. Đối với KCN Mỹ Phước 3 đây chỉ là một khoản người mua trả tiền trước nên họ chưa xuất hóa đơn là đúng.

Nếu hợp đồng cho thuê đất hợp pháp thì công ty mẹ có thể chuyển tiền thuê đất về Việt Nam.

      2 .Đối với khoản tiền công ty mẹ trả tiền thuê đất cho công ty con có thể hạch toán theo 2 hướng :

  – Coi như là 1 khoản tiền góp vốn của công ty mẹ vào công ty con thì hạch toán : 

         Nợ TK 331 – Trả trước cho KCN Mỹ Phước 3

               Có TK 411

Và thể hiện ở các chứng từ liên quan như biên bản góp vốn …

 – Coi như một khoản vay của công ty mẹ :

Nợ TK 331

       Có TK 311,341

Tuy nhiên bạn nên làm theo hướng thứ nhất vì theo hướng thứ 2 phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước về khoản vay này.

Câu hỏi 28:

     Trên  bản Thuyết minh báo cáo tài chính, chỉ tiêu số 33 – Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố. Theo hướng dẫn lập ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào sổ chi tiết các TK 621,622,623,641,642,142,242…mặt khác, đối với doanh nghiệp sản xuất, chỉ tiêu này bằng Giá vốn hàng bán (TK 632) + Chi phí bán hàng (TK 641) + Chi phí quản lý doanh nghiệp (TK 642), như vậy có 2 cách lập. Cho hỏi nếu lập theo QĐ 15 Mục Phần II chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố thì phần luân chuyển nội bộ tính như thế nào ? Có thể đưa ra ví dụ cụ thể được không (trong cả 2 cách) ?

Trả lời:

     Về nguyên tắc mọi giao dịch luân chuyển nội bộ đều phải được loại trừ khi lập Báo cáo tài chính, vì vậy bạn không phải tính chi phí SXKD theo yếu tố đối với phần luân chuyển nội bộ.

Câu hỏi 29:

     Công ty tôi mua bán xe ô tô và săm lốp xe, đồng thời có đăng ký kinh doanh dịch vụ. Công ty mua xe về để bán, trong đó có một số xe tải có thể thực hiện nhiệm vụ cứu hộ.

      Khi mua về tôi hạch toán vào TK 156, khi có khách mua thì sẽ bán. Nhưng trong quá trình lưu kho, công ty có dùng xe tải (mua về để bán) để đi cứu hộ và có xuất hóa đơn dịch vụ cứu hộ xe cho khách. Cho tôi hỏi : Xuất hóa đơn như vậy được không và có cần phải chuyển những xe tải đó sang tên công ty để ghi nhận là tài sản không ? Tôi có thể vận dụng là dùng hàng hóa mua về nhưng chưa bán đó để kinh doanh thêm dịch vụ không ?

Trả lời:

     Khi công ty bạn mua xe ô tô tải về với mục đích để bán thì kế toán theo dõi và ghi nhận tài sản này vào TK 156 – Hàng hóa. Nếu trường hợp sau khi nhập kho hàng hóa, công ty bạn muốn sử dụng xe ô tải đã nhập kho hàng hóa để phục vụ mục đích thực hiện dịch vụ cứu hộ thì bạn cần làm thủ tục chuyển tài sản này sang TSCĐ hữu hình của công ty để theo dõi, quản lý, sử dụng và trích khấu hao như TSCĐ bình thường khác, kế toán ghi nhận và theo dõi tài sản này vào TK 211 – TSCĐ hữu hình. Sau đó, nếu có nhu cầu, công ty bạn có thể bán TSCĐ là ô tô tải đã qua sử dụng cho mục đích thực hiện dịch vụ cứu hộ. Khi bán TSCĐ này, công ty bạn hạch toán tương tự như trường hợp thanh lý TSCĐ.

     Công ty bạn nếu có đăng lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cứu hộ thì việc thực hiện dịch vụ này và phát hành hóa đơn cho dịch vụ này là hoàn toàn phù hợp.

Câu hỏi 30:

     1. Dự phòng phải thu khó đòi thì khoản phải thu khó đòi có bao gồm trả trước cho người bán tồn đọng quá 1 năm không ?

     2. Số tiền bỏ ra đầu tư thấp hơn giá trị vốn góp được ghi nhận vốn góp tại công ty nhận vốn góp có được trích lập dự phòng không ?

Trả lời:

   1. Khi lập dự phòng phải thu khó đòi phải xem xét đến cả các khoản trả trước cho người bán đủ điều kiện phân loại là phải thu khó đòi. Bởi vì khoản trả trước cho người bán đã được phân loại là khoản phải thu ngắn hạn và được phản ánh vào mục III – Các khoản phải thu ngắn hạn (chỉ tiêu 2,mã số 132) trên Bảng cân đối kế toán.

   2. Nội dung câu hỏi 2 của bạn nêu chưa rõ,chưa cụ thể nên chưa đưa ra được ý kiến tư vấn.