TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ THƯỜNG GẶP
KẾ TOÁN HÀ NỘI xin lưu ý các bạn một số tình huống kế toán thực tế mà các doanh nghiệp hay mắc phải và cách xử lý các tình huống này:
Tình huống 26:
Công ty tôi có đầu tư dự án mua sắm thiết bị. Phần thiết bị đã đấu thầu, còn phần chi phí lập hồ sơ mời thầu, chi phí lập dự án do công ty tự làm. Khi thanh toán đã có chứng từ mua văn phòng phẩm, bảng chấm công tính lương. Tôi hỏi sau khi công trình hoàn thành công ty có phải viết hóa đơn GTGT đầu ra (đối với XDCB tự làm) và hạch toán doanh thu XBCB tự làm không ?
Trả lời:
Ban quản lý dự án đầu tư của doanh nghiệp trong cả hai trường hợp tổ chức hạch toán chung hay hạch toán riêng cũng không phải là pháp nhân độc lập mà chỉ thực hiện các công việc của doanh nghiệp giao. Về bản chất doanh nghiệp vẫn là chủ đầu tư, vì vậy không xuất hóa đơn và không ghi doanh thu đối với phần XDCB do doanh nghiệp tự làm.
Tình huống 27:
Công ty tôi là công ty TNHH một thành viên A (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài ) tiến hành thuê đất tại KCN Mỹ Phước 3 có ký hợp đồng nguyên tắc (Hợp đồng nguyên tắc là cơ sở để sau này ký hợp đồng thuê đất chính thức có quy định trong Hợp đồng nguyên tắc ) và đã thanh toán tiền thuê theo tiến độ được 3 đợt. Xin hỏi :
1. Trong thời gian chờ giấy Chứng nhận đầu tư tại Việt Nam, công ty mẹ tại nước ngoài đã chuyển tiền theo tiến độ theo hợp đồng nguyên tắc như vậy có đúng quy định không ? Rồi ban quản lý KCN Mỹ Phước 3 cũng chưa xuất hóa đơn GTGT như vậy có đúng không ?
2. Đề nghị cho ý kiến hạch toán những nghiệp vụ thanh toán tiền này ?
Trả lời:
Trong trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài chuyển tiền thanh toán theo tiến độ ghi trên hợp đồng và hoạt động cho thuê chưa diễn ra thìm:
1. Đối với KCN Mỹ Phước 3 đây chỉ là một khoản người mua trả tiền trước nên họ chưa xuất hóa đơn là đúng.
Nếu hợp đồng cho thuê đất hợp pháp thì công ty mẹ có thể chuyển tiền thuê đất về Việt Nam.
2. Đối với khoản tiền công ty mẹ trả tiền thuê đất cho công ty con có thể hạch toán theo 2 hướng :
– Coi như là 1 khoản tiền góp vốn của công ty mẹ vào công ty con thì hạch toán : Nợ TK 331 – Trả trước cho KCN Mỹ Phước 3
Có TK 411
Và thể hiện ở các chứng từ liên quan như biên bản góp vốn …
– Coi như một khoản vay của công ty mẹ :
Nợ TK 331
Có TK 311,341
Tuy nhiên bạn nên làm theo hướng thứ nhất vì theo hướng thứ 2 phải có văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước về khoản vay này.
Tình huống 28:
Trên bản Thuyết minh báo cáo tài chính, chỉ tiêu số 33 – Chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố. Theo hướng dẫn lập ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào sổ chi tiết các TK 621,622,623,641,642,142,242…mặt khác, đối với doanh nghiệp sản xuất, chỉ tiêu này bằng Giá vốn hàng bán (TK 632) + Chi phí bán hàng (TK 641) + Chi phí quản lý doanh nghiệp (TK 642), như vậy có 2 cách lập. Cho hỏi nếu lập theo QĐ 15 Mục Phần II chi phí sản xuất kinh doanh theo yếu tố thì phần luân chuyển nội bộ tính như thế nào? Có thể đưa ra ví dụ cụ thể được không (trong cả 2 cách) ?
Trả lời:
Về nguyên tắc mọi giao dịch luân chuyển nội bộ đều phải được loại trừ khi lập Báo cáo tài chính, vì vậy bạn không phải tính chi phí SXKD theo yếu tố đối với phần luân chuyển nội bộ.
Tình huống 29:
Công ty tôi mua bán xe ô tô và săm lốp xe, đồng thời có đăng ký kinh doanh dịch vụ. Công ty mua xe về để bán, trong đó có một số xe tải có thể thực hiện nhiệm vụ cứu hộ.
Khi mua về tôi hạch toán vào TK 156, khi có khách mua thì sẽ bán. Nhưng trong quá trình lưu kho, công ty có dùng xe tải (mua về để bán) để đi cứu hộ và có xuất hóa đơn dịch vụ cứu hộ xe cho khách. Cho tôi hỏi : Xuất hóa đơn như vậy được không và có cần phải chuyển những xe tải đó sang tên công ty để ghi nhận là tài sản không ? Tôi có thể vận dụng là dùng hàng hóa mua về nhưng chưa bán đó để kinh doanh thêm dịch vụ không ?
Trả lời:
Khi công ty bạn mua xe ô tô tải về với mục đích để bán thì kế toán theo dõi và ghi nhận tài sản này vào TK 156 – Hàng hóa. Nếu trường hợp sau khi nhập kho hàng hóa, công ty bạn muốn sử dụng xe ô tải đã nhập kho hàng hóa để phục vụ mục đích thực hiện dịch vụ cứu hộ thì bạn cần làm thủ tục chuyển tài sản này sang TSCĐ hữu hình của công ty để theo dõi, quản lý, sử dụng và trích khấu hao như TSCĐ bình thường khác, kế toán ghi nhận và theo dõi tài sản này vào TK 211 – TSCĐ hữu hình. Sau đó, nếu có nhu cầu, công ty bạn có thể bán TSCĐ là ô tô tải đã qua sử dụng cho mục đích thực hiện dịch vụ cứu hộ. Khi bán TSCĐ này, công ty bạn hạch toán tương tự như trường hợp thanh lý TSCĐ.
Công ty bạn nếu có đăng lý hoạt động kinh doanh dịch vụ cứu hộ thì việc thực hiện dịch vụ này và phát hành hóa đơn cho dịch vụ này là hoàn toàn phù hợp.
Tình huống 30:
1. Dự phòng phải thu khó đòi thì khoản phải thu khó đòi có bao gồm trả trước cho người bán tồn đọng quá 1 năm không ?
2. Số tiền bỏ ra đầu tư thấp hơn giá trị vốn góp được ghi nhận vốn góp tại công ty nhận vốn góp có được trích lập dự phòng không?
Trả lời:
1. Khi lập dự phòng phải thu khó đòi phải xem xét đến cả các khoản trả trước cho người bán đủ điều kiện phân loại là phải thu khó đòi. Bởi vì khoản trả trước cho người bán đã được phân loại là khoản phải thu ngắn hạn và được phản ánh vào mục III – Các khoản phải thu ngắn hạn (chỉ tiêu 2,mã số 132) trên Bảng cân đối kế toán.
2. Nội dung câu hỏi 2 của bạn nêu chưa rõ,chưa cụ thể nên chưa đưa ra được ý kiến tư vấn.
Tình huống 31:
Công ty tôi là công ty TNHH mới thành lập tháng 11 năm 2011 với số vốn điều lệ là 5 tỷ, trong đó góp vốn bằng tiền là 1 tỷ, góp vốn bằng xe ô tô con là 1 tỷ, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là 1 tỷ, bằng 2 căn nhà chung cư là 2 tỷ. Các thủ tục chứng từ liên quan đến phần góp vốn này để tôi có thể tính và trích khấu hao các tài sản cố định trên?
Trả lời:
Chứng từ liên quan đến các khoản góp vốn thành lập công ty TNHH như nên trong câu hỏi của bạn gồm:
– Hồ sơ thành lập doanh nghiệp
– Giấy chứng nhận ĐKKD
– Điều lệ doanh nghiệp
– Biên bản góp vốn
– Phiếu thu tiền mặt hoặc sổ phụ ngân hàng chứng minh về việc công ty đã nhận 1 tỷ đồng vốn góp tiền mặt từ các thành viên góp vốn
– Biên bản định giá ô tô, quyền sử dụng đất và 2 căn chung cư do các bên góp vốn thống nhất định giá hoặc thuê tổ chức đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định giá tài sản để xác định giá trị vốn góp.
– Biên bản giao nhận ô tô từ chủ sở hữu cũ cho chủ sở hữu mới đại diện pháp nhân của công ty.
– Các chứng từ phản ánh các khoản thuế liên quan đến chuyển chủ sở hữu các tài sản đem đi góp vốn.
Các chứng từ nên trên nhằm đảm bảo tính pháp lý, tính trung thưc, khách quan của việc góp vốn thành lập công ty.
Tình huống 32:
Theo quy định hiện hành, khi nhân cổ tức bằng cổ phiếu chỉ ghi nhận tăng lượng cổ phiếu, không ghi nhận giá trị. Nhưng khi lập dự phòng giảm giá chứng khoán, thì công ty tôi có phải lập dự phòng cho phần cổ phiếu thưởng sau khi tính theo giá bình quân với số cổ phiếu trước đó không, hay chỉ lập cho lượng cổ phiếu ban đầu?
Trả lời:
Ở mỗi một thời điểm sau một giao dịch mua, bán cổ phiếu hoặc nhận cổ tức bằng cổ phiếu, giá 1 cổ phiếu trên sổ kế toán đều được xác định lại theo phương pháp bình quân. Do đó ở thời điểm cuối năm tài chính khi xem xét để xác định có phải lập dự phòng giảm giá chứng khoán hay không? Mức lập dự phòng giảm giá chứng khoán là bao nhiêu? Bạn đã phải tiến hành so sánh giá cổ phiếu ghi trên sổ kế toán ( tính theo phương pháp bình quân) với giá cổ phiếu trên thị trường. Việc tính toán đó và xác định số dự phòng giảm giá chứng khoán cần lập đã bao gồm số cổ phiếu được ghi tăng do nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Tình huống 33:
Công ty A có đăng ký kinh doanh ngành nghề môi giới BĐS vậy khi tư vấn môi giới cho Công ty khác thuê văn phòng làm việc thì khoản doanh thu từ việc tư vấn môi giới đó được hạch toán như thế nào? Có qua TK 3387(doanh thu chưa thực hiện) không?
Trả lời:
Doanh thu tư vấn môi giới cho công ty khác thuê văn phòng làm việc, nếu khách hàng trả tiền sau mỗi nghiệp vụ môi giới thành công được hạch toán vào doanh thu Cung cấp dịch vụ (TK5113 – doanh thu cung cấp dịch vụ). Chỉ trường hợp khách hàng trả tiền trước cho nhiều kỳ kế toán về dịch vụ sẽ cung cấp mới được hạch toán qua TK3387 – doanh thu chưa thực hiện. Bạn cần tham chiếu hướng dẫn TK511 – doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và TK338 – phải trả, phải nộp khác để thực hiện.
Tình huống 34:
Giả sử số dư đầu kỳ 01/01/2011 TK 242 là 0 VNĐ. Phát sinh trong kỳ là chi phí thuê nhà 15 tháng từ 01/02/2011 đến 30/04/2012 là 300.000.000 VNĐ. Phân bổ trong kỳ hết 220.000.000 VNĐ. Vậy số dư cuối kỳ 31/12/2011 TK 242 là 80.000.000 VNĐ chi tiết là khoản thuê nhà có thời gian phân bổ còn lại là 4 tháng. Vậy kế toán có phải chuyển số dư cuối kỳ TK 242 sang số dư cuối kỳ TK 142 không? Bởi vì theo QĐ 15 thì TK 242 phản ánh chi phí trả trước liên quan đến nhiều niên độ kế toán( trên 12 tháng ) , trong khi khoản thuê nhà còn lại 4 tháng.
Trả lời:
Theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành (hướng dẫn TK 242 – chi phí trả trước dài hạn ), khoản chi phí trả trước dài hạn đã phản ánh trên TK 242 không chuyển số dư sang TK 142 – chi phí trả trước ngắn hạn trong trường hợp thời gian phân bổ còn lại dưới 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc năm tài chính hiện hành.
Quy định về lập báo cáo tài chính cũng chưa hợp lý về việc phản ánh vào khoản mục chi phí trả trước dài hạn trên bản cân đối kế toán trong trường hợp khoản chi phí trả trước dài hạn có thời gian phân bổ chỉ còn dưới 12 tháng kê từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Điều này hi vọng sẽ được BTC xem xét sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới đây.
Tình huống 35:
Công ty tôi có nhập khâu NVL để sản xuất và nhập NVL ủy thác. Khi xuất kho NVL cho bên ủy thác nhập khẩu thì giá xuất kho đúng bằng giá nhập khẩu hay xác định theo giá xuất kho NVL cùng loại của công ty?
Trả lời:
Đối với hàng nhập khẩu ủy thác cần theo dõi riêng với hàng Công ty nhập về để thực hiện xs và kinh doanh. Do vậy, như trường hợp của Công ty bạn có NVL nhập về sản xuất và NVL nhập khẩu ủy thác thì nên ghi nhận các loại NVL này vào các tài khoản chi tiết khác nhau để theo dõi và dễ dàng xác định hiệu quả của từng loại hoạt động của Công ty một cách phù hợp.