Ngày đăng: 22/11/2014 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 1528


     

THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

    Thuật ngữ “Thuế thu nhập Doanh nghiệp” đã có từ lâu và việc hiểu, áp dụng các quy định về thuế thu nhập Doanh nghiệp (TNDN) đối với các Doanh nghiệp đã tương đối quen thuộc.

    Thế nhưng các thuật ngữ “ Thuế Thu nhập Doanh nghiệp hoãn lại phải trả, Tài sản thuế thu nhập Doanh nghiệp, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp…”có thể nói là tương đối mới lạ và gây không ít khó khăn cho các Doanh nghiệp trong việc hiểu và vận dụng theo quy định của chuẩn mực kế toán số 17 – Thuế thu nhập Doanh nghiệp.

    Nhằm tạo nên sự đơn giản hơn, dễ hiểu hơn cho những kế toán viên, cán bộ thuế khi giải quyết vấn đề liên quan này, trong giới hạn bài viết này KẾ TOÁN HÀ NỘI  xin đi vào phân tích, hệ thống hoá những vấn đề cơ bản theo quy định của Chuẩn mực và Thông tư hiện hành trên các khía cạnh sau:

– Những khái niệm cơ bản về thuế TNDN

– Hạch toán thuế TNDN hiện hành

1. Những khái niệm cơ bản về thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Thuế thu nhập Doanh nghiệp hiện hành

    Là số thuế TNDN phải nộp (hoặc thu hồi được) tính trên thu nhập chịu thuế và thuế suất thuế TNDN của năm hiện hành. Công thức xác định thuế TNDN hiện hành: 
 

Thuế TNDN hiện hành

=

Thu nhập chịu thuế trong năm hiện hành

x

Thuế suất thuế TNDN theo quy định hiện hành

 

     Để phản ánh thuế TNDN hiện hành, kế toán sử dụng Tài khoản 3334 – Thuế TNDN, Tài khoản 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành

b) Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

     Là thuế TNDN sẽ phải nộp trong tương lai tính trên các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế TNDN trong năm hiện hành. Công thức xác định thuế TNDN hoãn lại phải trả:

Thuế thu nhập hoãn lại phải trả

=

Tổng chênh lệch tạm thời chịu thuế trong năm

x

Thuế suất thuế TNDN theo quy định hiện hành

 

– Chênh lệch tạm thời chịu thuế trong năm: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh thu nhập chịu thuế khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong tương lai khi mà giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hoặc nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. 
Thuế Thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế trừ khi thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của một Tài sản hay Nợ phải trả của một giao dịch mà giao dịch này không ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán hoặc lợi nhuận tính thuế TNDN (hoặc lỗ tính thuế) tại thời điểm phát sinh giao dịch.

– Để phản ánh khoản Thuế thu nhập hoãn lại phải trả này, Thông tư quy định sử dụng Tài khoản 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả, Tài khoản 8212 – Chi phí thuế thu nhập hoãn lại

c) Tài sản thuế thu nhập hoãn lại

   Là thuế TNDN sẽ được hoàn lại trong tương lai tính trên các khoản: chênh lệch tạm thời được khấu trừ; Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế chưa sử dụng; Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản ưu đãi thuế chưa sử dụng. Công thức xác định thuế Tài sản thuế TNDN:

Tài sản thuế Thu nhập hoãn lại

=

Tổng chênh lệch tạm thời được khấu trừ phát sinh trong năm

+

Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng

X

Thuế suất thuế TNDN theo quy định hiện hành

 


– Chênh lệch tạm thời được khấu trừ: Là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh các khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN trong tương lai khi mà giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hoặc Nợ phải trả liên quan được thu hồi hay được thanh toán. 
Doanh nghiệp chỉ được ghi nhận tài sản thuế Thu nhập hoãn lại tính trên các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ này khi và chỉ khi chắc chắn có đủ lợi nhuận tính thuế trong tương lai để sử dụng các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ, các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi về thuế chưa sử dụng. 
    Để phản ánh khoản mục Tài sản thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Thông tư kế toán sử dụng Tài khoản 243 – Tài sản thuế thu nhập hoãn lại, Tài khoản 8212- Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.

– Chênh lệch tạm thời: Là chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của các khoản mục Tài sản hay Nợ phải trả trong Bảng cân đối kế toán và cơ sở tính thuế thu nhập của các khoản mục này.

2. Hạch toán Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành 

a) Hàng quý, xác định số thuế tạm nộp vào NSNN, kế toán ghi: 

Nợ TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành: số tạm tính 
Có TK 3334- Thuế TNDN: số tạm tính 

Khi thực nộp số thuế này:
Nợ TK 3334 – Thuế TNDN
Có TK 111, 112… 

b) Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của khoản thuế TNDN các năm trước, Doanh nghiệp được hạch toán điều chỉnh số thuế tăng hoặc giảm của các năm trước này vào chi phí thuế TNDN hiện hành năm phát hiện sai sót

+ Nếu thuế TNDN hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung, kế toán ghi:
Nợ TK 8211 – Chi phí thuế TNDN hiện hành: Phần sai sót nộp bổ sung 
Có TK 3334 – Thuế TNDN: Phần sai sót nộp bổ sung 

Khi thực nộp số thuế này:
Nợ TK 3334 – Thuế TNDN
Có TK 111, 112… 

+ Nếu thuế TNDN hiện hành của các năm trước được ghi giảm, kế toán ghi:
Nợ TK 3334 – Thuế TNDN hiện hành: Phần chênh lệch giảm
Có TK 8221 – Chi phí thuế TNDN hiện hành: Phần chênh lệch giảm 

c) Cuối năm tài chính

– So sánh số đã tạm nộp với số thuế TNDN quyết toán phải nộp trong năm, kế toán ghi:
+ Nếu số thuế TNDN tạm nộp lớn hơn số quyết toán năm phải nộp
Nợ TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành: Phần nộp bổ sung
Có TK 3334 – Thuế TNDN: Phần nộp bổ sung 

Khi thực nộp số thuế này:
Nợ TK 3334 – Thuế TNDN
Có TK 111, 112… 

+ Nếu số thuế TNDN tạm nộp nhỏ hơn số quyết toán năm phải nộp
Nợ TK 3334- Thuế TNDN: Chênh lệch giảm
Có TK 8211- Chi phí thuế TNDN hiện hành: Chênh lệch giảm