Ngày đăng: 27/07/2015 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 1442


      

 THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CÁ NHÂN CƯ TRÚ THEO THÔNG TƯ 92   

   Thông tư 92 bổ sung nhiều quy định về thu nhập chịu thuế, thu nhập miễn thuế, thuế suất thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán và chuyển nhượng bất động sản…cụ thể:

1. Đối với thu nhập không tính vào thu nhập chịu thuế

1.1. Về khoản thu nhập từ trợ cấp

Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

Không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công khoản trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người Việt nam cư trú dài hạn ở nước ngoài về VN làm việc.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại điểm b.9 khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì không hướng dẫn cụ thể đối với khoản trợ cấp này.

1.2. Về khoản bảo hiểm không bắt buộc không có tích luỹ về phí bảo hiểm

   Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

   Hướng dẫn cụ thể trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc, không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm tử kỳ có hoàn phí),…

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại tiết đ.2 điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:

   Không hướng dẫn cụ thể cho trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm.

1.3. Về khoản chi về phương tiện đưa đón người lao động

  Theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

  Khoản chi về phương tiện đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại tiết đ.5 điểm đ khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:

   Đối với khoản chi về phương tiện đưa đón riêng từng cá nhân phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân được đưa đón, chỉ không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản chi về phương tiện phục vụ tập thể người lao động.

1.4. Về khoản chi đám hiếu, hỉ cho người lao động và gia đình người lao động

    Theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

    Bổ sung không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN đối với khoản tiền chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại điểm g khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì: chưa có hướng dẫn khoản thu nhập này không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.

1.5. Về khoản thu nhập từ lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên

   Theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

   Không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn đối với lợi tức của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại điểm c khoản 3 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:

   Khoản lợi tức nhận được do góp vốn vào Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (cá nhân) là thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn.

2. Về quy đổi thu nhập chịu thuế ra đồng Việt Nam

    Theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì: đối với doanh thu, thu nhập nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế mua vào tại ngân hàng nơi cá nhân mở tài khoản giao dịch tại thời điểm phát sinh thu nhập. Trường hợp cá nhân không mở tài khoản giao dịch tại Việt nam thì quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ mua vào của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm phát sinh thu nhập.

Trước đây:

    Theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:

   Trường hợp thu nhập chịu thuế nhận được bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đồng Việt nam theo tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng tại thời điểm phát sinh thu nhập.

3. Về việc tính thuế đối với khoản tích luỹ bảo hiểm do người sử dụng lao động mua cho người lao động.

   Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

   – Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm thì đến thời điểm đáo hạn hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí tích lũy tương ứng với phần người sử dụng lao động mua cho người lao động từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Trường hợp khoản phí tích luỹ được trả nhiều lần thì tiền thuế được khấu trừ theo tỷ lệ 10% tương ứng với từng lần trả tiền phí tích luỹ.

   – Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động bảo hiểm nhân thọ (không bao gồm bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khấu trừ ngay thuế TNCN theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm đã mua hoặc đóng góp cho người lao động.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại khoản 6 Điều 7 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì:

  – Chưa có hướng dẫn cụ thể về thời điểm khấu trừ thuế trong trường hợp khoản phí tích luỹ được trả nhiều lần.

  – Chưa có hướng dẫn cụ thể về trường hợp người sử dụng lao động mua bảo hiểm không bắt buộc cho người lao động từ các công ty bảo hiểm nước ngoài không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.

4. Về việc tính thuế đối với thu nhập từ thừa kế, quà tặng

Theo hướng dẫn tại Điều 12 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

– Bổ sung hướng dẫn cụ thể với trường hợp nhận thừa kế quà tặng gồm nhiều mã chứng khoán thì thu nhập tính thuế là phần giá trị tài sản nhận thừa kế, quà tặng vượt trên 10 triệu đồng tính trên toàn bộ các mã chứng khoán nhận được chưa trừ bất cứ một khoản chi phí nào.

– Bổ sung hướng dẫn đối với trường hợp cá nhân nhận thừa kế, quà tặng là tài sản nhập khẩu thì giá trị tài sản để làm căn cứ tính thuế TNCN đối với thừa kế quà tặng là giá tính lệ phí trước bạ do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại thời điểm làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trừ (-) các khoản thuế ở khâu nhập khẩu mà cá nhân phải tự nộp theo quy định.

Trước đây:

Thông tư số 111/2013/TT-BTC chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này.

5. Về việc bù trừ nghĩa vụ quyết toán thay cho cá nhân với nghĩa vụ của tổ chức trả thu nhập

   Theo hướng dẫn tại Điều 22 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì:

   Trường hợp sau khi bù trừ có số thuế phải nộp thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước. Trường hợp sau khi bù trừ có số thuế nộp thừa được cơ quan thuế tự động bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tính thuế tiếp theo hoặc tổ chức, cá nhân trả thu nhập lập Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/ĐNHT ban hành tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC gửi cơ quan thuế trực tiếp quản lý để hoàn trả thuế theo quy định.

Trước đây:

   Theo hướng dẫn tại Điều 33 Thông tư số 156/2013/TT-BTC thì:

   Sau khi bù trừ mà vẫn còn số thuế nộp thừa thì tổ chức trả thu nhập lập Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước để hoàn trả thuế theo quy định mà không được bù trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tính thuế tiếp theo.