Ngày đăng: 12/08/2015 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 1633


      

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ THUẾ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP MỚI THÀNH LẬP

   Nhằm giúp các Doanh nghiệp mới thành lập nắm bắt các qui định liên quan đến pháp luật thuế, tránh các sai sót,  KẾ TOÁN HÀ NỘI xin chia sẻ một số quy định về thuế với doanh nghiệp mới thành lập như sau:

I. Về đăng ký kinh doanh

   Các doanh nghiệp cần liên hệ với Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh, nơi Doanh nghiệp sẽ đặt trụ sở để làm thủ tục đăng ký Doanh nghiệp và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng Mã số Doanh nghiệp. Mã số Doanh nghiệp đồng thời là Mã số đăng ký kinh doanh và Mã số thuế của Doanh nghiệp. Thủ tục đăng ký kinh doanh thực hiện theo Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21 tháng 01 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và đầu tư.

II. Các thủ tục về thuế 

   Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng Mã số doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để thực hiện:

1. Khai thuế môn bài

    Cơ sở kinh doanh mới thành lập phải khai, nộp thuế môn bài chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng bắt đầu hoạt động SXKD, trường hợp chưa hoạt động sản xuất kinh doanh thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp. Doanh nghiệp thành lập trong 6 tháng đầu năm phải nộp tiền thuế môn bài cả năm, nếu thành lập trong 6 tháng cuối năm (từ 01/7) phải nộp thuế ½ năm.

   Hồ sơ bao gồm tờ khai thuế Môn bài theo mẫu số 01/MBAI ban hành theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Mức nộp thuế môn bài hiện nay được thực hiện theo Thông tư số 42/2003/TT-BTC ngày 07/5/2003 của Bộ Tài chính, cụ thể:            

Thuế môn bài

Vốn đăng ký

Mức thuế môn bài cả năm

– Bậc 1

Trên 10 tỷ

3.000.000

– Bậc 2

Từ 5 tỷ đến 10 tỷ

2.000.000

– Bậc 3

Từ 2 tỷ đến dưới 5 tỷ

1.500.000

– Bậc 4

Dưới 2 tỷ, các chi nhánh, văn phòng, cửa hàng trực thuộc

1.000.000

Lưu ý:

– Trường hợp Doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc (chi nhánh, cửa hàng…) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì Doanh nghiệp thực hiện nộp thuế môn bài, tờ khai thuế môn bài (đối với trường hợp có thay đổi mức thuế môn bài) của các đơn vị trực thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của Doanh nghiệp.

– Trường hợp Doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi Doanh nghiệp có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp thuế môn bài, tờ khai thuế môn bài (đối với trường hợp có thay đổi mức thuế môn bài) của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc.

Thuế môn bài cho các chi nhánh:

– Các chi nhánh hạch toán phụ thuộc không có vốn đăng ký: 1.000.000đ

– Các doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập: 2.000.000 đ

Thời hạn nộp tờ khai và thuế môn bài:

– Với Doanh nghiệp mới thành lập thì chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được cấp giấp phép kinh doanh

– Thời hạn nộp Tờ khai thuế môn bài (trường hợp phải nộp tờ khai) và nộp thuế môn bài năm chậm nhất là ngày 30 tháng 01 tài chính hiện hành.

2. Đăng ký phương pháp tính thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

 Doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế theo Mẫu số 06/GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC. Trường hợp không đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế GTGT thì áp dụng phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu.

* Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

– Phân phối, cung cấp hàng hoá: 1%;

– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hoá, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

– Hoạt động kinh doanh khác: 2%.

3. Khai bổ sung thông tin về tài khoản và các thông tin đã đăng ký có sự thay đổi

3.1. Tài khoản ngân hàng

  Khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi tại Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư số 156/2013/TT-BTC.

3.2. Các thông tin khác

    Các thông tin đã đăng ký kinh doanh và Mã số thuế có sự thay đổi phải bổ sung trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi. (Hiện nay đã có đồng bộ hóa giữa sở kế hoạch đầu tư và Tổng cục thuế do vậy những thông tin thay đổi trên GPĐKKD của sở kế hoạch đầu tư đã thay đổi không cần gửi mẫu 08-MST)

4. Về hóa đơn

– Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu thì mua hóa đơn do cơ quan Thuế phát hành.

– Doanh nghiệp mới thành lập đã đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế nếu thuộc đối tượng được tự in hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 39/2014/TT-BTC thì được tạo hóa đơn tự in để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

– Doanh nghiệp mới thành lập thuộc đối tượng được tự in hóa đơn theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư số 39/2014/TT-BTC nếu không sử dụng hóa đơn tự in và Doanh nghiệp không thuộc đối tượng tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế hướng dẫn tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 39/2014/TT-BTC được tạo hóa đơn đặt in để sử dụng cho các hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ

– Trước khi tự in hoặc đặt in hóa đơn lần đầu, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn tự in hoặc đặt in theo Mẫu số 3.14 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC và được cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác nhận đủ điều kiện.

– Trước khi sử dụng hóa đơn (trừ hóa đơn được mua hoặc cấp tại cơ quan thuế), Doanh nghiệp phải lập và gửi thông báo phát hành hóa đơn (theo mẫu TB01/AC ban hành kèm theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015) kèm theo Hóa đơn mẫu chậm nhất là 05 ngày trước khi Doanh nghiệp bắt đầu sử dụng hóa đơn và trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký thông báo phát hành; Doanh nghiệp phải thực hiện lập báo cáo sử dụng hóa đơn theo Quý gửi cơ quan thuế quản lý, kể cả trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn, thời hạn nộp báo cáo chậm nhất là ngày 30 tháng đầu tiên của quý sau.

6. Việc kê khai các loại thuế

     Thực hiện theo thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 06/01/2013, Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của  Bộ Tài chính, Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính.

6.1. Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)

   Doanh nghiệp mới thành lập thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý. Sau khi sản xuất kinh doanh (SXKD) đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch tiếp theo sẽ căn cứ theo mức doanh thu bán hàng hoá, dịch vụ của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện khai thuế GTGT theo tháng hay theo quý. Tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ từ 50 tỷ đồng trở xuống thì khai theo quý, trên 50 tỷ đồng thì khai theo tháng.

    Doanh nghiệp có hay không phát sinh thuế GTGT đều phải lập tờ khai thuế theo mẫu 01/GTGT đối với đơn vị SXKD, đối với Doanh nghiệp đang thực hiện dự án đầu tư chưa SXKD thì kê khai mẫu 02/GTGT. Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT quý là chậm nhất ngày 30 tháng đầu tiên của quý tiếp theo, đối với tờ khai tháng tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo.

6.2. Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN)

    Căn cứ kết quả sản xuất, kinh doanh, Doanh nghiệp thực hiện tạm nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp của quý chậm nhất vào ngày thứ ba mươi của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế; doanh nghiệp không phải nộp tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý. Kết thúc năm tài chính Doanh nghiệp kê khai quyết toán thuế TNDN, thời hạn nộp quyết toán năm chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp các Doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu đãi thuế TNDN thì kết thúc năm tài chính vẫn thực hiện quyết toán thuế TNDN kèm các phụ lục miễn giảm.

6.3. Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN)

    Doanh nghiệp thực hiện khai thuế GTGT theo quý thì khai thuế TNCN theo quý, doanh nghiệp khai thuế GTGT theo tháng, nếu trong tháng phát sinh số thuế TNCN phải nộp từ 50 triệu đồng trở lên thì kê khai theo tháng, dưới 50 triệu đồng thì kê khai theo quý; Nếu không phát sinh thuế TNCN thì không kê khai nhưng vẫn phải nộp tờ khai quyết toán thuế TNCN năm theo Mẫu 05/KK-TNCN.

    Ngoài các loại thuế trên, trường hợp trong quá trình SXKD, có phát sinh các loại thuế, phí khác như: Thuế Tiêu thụ đặc biệt; Thuế tài nguyên; Thuế Bảo vệ môi trường, Thuế sư dụng đất phi nông nghiệp; Tiền thuê đất… doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế theo quy định hiện hành.