Ngày đăng: 14/06/2019 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 2678


KTHN Group Hiện nay, quy định về hợp đồng lao động nói chung và hợp đồng lao động thời vụ nói riêng được quy định trong Bộ luật lao động năm 2012. Cụ thể như sau:

1. Thứ nhất, về khái niệm hợp đồng lao động thời vụ:

Hiện nay trong quy định của pháp luật lao động hiện hành không có quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng lao động thời vụ mà chỉ có quy định chung về khái niệm hợp đồng lao động tại Điều 15 Bộ luật lao động năm 2012.

Đồng thời trong quy định về phân loại hợp đồng lao động có xác định một trong những loại hợp đồng lao động là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Trên cơ sở định nghĩa về từ “thời vụ”, và quy định về khái niệm hợp đồng lao động cùng với nội dung về phân loại hợp đồng lao động thì có thể hiểu:

Hợp đồng lao động thời vụ là một trong những loại hợp đồng lao động, là căn cứ ghi nhận quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc thực hiện một công việc mang tính “mùa vụ”, tạm thời, không thường xuyên, có thời hạn dưới 12 tháng, thông qua việc quy định những nội dung mà hai bên đã thỏa thuận và thống nhất với nhau về nội dung công việc, tiền lương, và về các nội dung khác như điều kiện làm việc, các quyền lợi cũng như nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động….

Trên cơ sở này, có thể xác định “hợp đồng thời vụ” là tên gọi khác của loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.

Hợp đồng lao động thời vụ, như đã phân tích được xác định là một trong những loại hợp đồng lao động, nên mặc dù pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong việc quy định các điều khoản trong hợp đồng lao động mùa vụ, nhưng về mặt nguyên tắc, hợp đồng lao động mùa vụ vẫn cần phải có những nội dung cơ bản sau: thông tin về người sử dụng lao động, người lao động, công việc và địa điểm làm việc, thời hạn của hợp đồng, mức lương và hình thức trả lương, chế độ nâng lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, về việc đóng các khoản tiền bảo hiểm, và các nội dung bảo hộ lao động (tùy vào từng công việc)…

Qua phân tích ở trên có thể thấy, hợp đồng lao động thời vụ được ký kết đối với những công việc mang tính chất tạm thời, có tính mùa vụ hoặc có thời hạn dưới 12 tháng. Đồng thời tại khoản 3 Điều 22 Bộ luật lao động năm 2012 cũng có quy định về việc không được ký kết hợp đồng lao động thời vụ để thực hiện những công việc mang tính chất thường xuyên, dài hạn từ 12 tháng trở lên, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của pháp luật về lao động. Trong đó, các trường hợp đặc biệt được phép giao kết hợp đồng lao động thời vụ (hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng) đối với những công việc mang tính thường xuyên từ 12 tháng trở lên gồm các trường hợp tuyển dụng người lao động để tạm thời thay thế người lao động khác đang trong thời gian đi thực hiện nghĩa vụ quân sự, hoặc đang nghỉ hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.

Về hình thức, hợp đồng lao động thời vụ cũng giống như các loại hợp đồng lao động khác phải được giao kết bằng văn bản theo quy định tại Điều 16 Bộ luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, nếu công việc được giao kết là công việc mang tính chất tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, thì trường hợp này, người lao động và người sử dụng lao động có thể giao kết hợp đồng lao động thời vụ bằng lời nói mà không bắt buộc phải giao kết bằng văn bản.

2. Thứ hai, quy định về số lần mà người sử dụng được phép ký hợp đồng lao động thời vụ với một người lao động.

– Doanh nghiệp có thể ký hợp đồng lao động thời vụ đối với các công việc theo thời vụ. Việc ký hợp đồng lao động thời vụ các bên có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói mà không nhất thiết phải giao kết hợp đồng bằng văn bản.

– Trong thời hạn 30 ngày doanh nghiệp phải ký hợp đồng mới, nếu doanh nghiệp không ký lại hợp đồng lao động thì hợp đồng thời vụ sẽ trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

– Doanh nghiệp chỉ được ký kết hợp đồng thời vụ tối đa 2 lần liên tiếp. Sau khi ký kết hợp đồng thời vụ hai lần liên tiếp nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng không xác định thời hạn.

Doanh nghiệp khi thanh toán lương cho người lao động ký hợp đồng lao động thời vụ thì cần phải chú ý một số đặc điểm sau:

Căn cứ Thông tư 111/2013/TT-BTC tại Điều 25, Khoản 1, Điểm I quy định về khấu trừ thuế thì khi chi trả thu nhập cho người lao động ký hợp đồng thời vụ cần phải chú ý những điểm sau:

– Doanh nghiệp phải khấu trừ thuế đối với lao động thời vụ có tổng mức chi trả từ 2 triệu đồng trở lên theo mức 10% trên thu nhập trước khi chi trả.

Ví dụ: Doanh nghiệp chi trả cho lao động thời vụ tổng số tiền là 5.000.000 đồng thì trước khi chi trả doanh nghiệp phải khấu trừ thuế TNCN của người lao động là:
5.000.000 x 10% = 500.000 đồng.

– Người lao động có hợp đồng lao động thời vụ có thu nhập 1 tháng từ 2 triệu đồng trở lên có thể làm bản cam kết mẫu 02/CK-TNCN gửi cho công ty để tạm thời chưa khấu trừ thuế.

Người lao động chỉ được làm bản cam kết khi thỏa mãn các yêu cầu sau:

+ Có MSTCN tại thời điểm cam kết.
+ Có thu nhập duy nhất tại một nơi.
+ Tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế.
– Doanh nghiệp phải kê khai, quyết toán thuế TNCN đối với những cá nhân có hợp đồng lao động thời vụ theo mẫu số 05-2BK-QTT-TNCN được thực hiện trên phần mềm HTKK 4.1.8.
Tải về: HTKK 4.1.8 mới nhất