Ngày đăng: 14/03/2015 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 1923


     

MỘT SỐ NỘI DUNG LƯU Ý KHI THỰC HIỆN QUYẾT TOÁN THUẾ GTGT NĂM 2014

     Năm 2014 là năm có nhiều sự thay đổi trong chính sách thuế và đặc biệt là chính sách về thuế giá trị gia tăng. Thời điểm quyết toán thuế GTGT năm 2014 cũng đã đến khiến cho nhiều bạn làm kế toán ở các doanh nghiệp lúng túng trong quá trình áp dụng, thực hiện chính sách. Sau đây, KẾ TOÁN HÀ NỘI xin lưu ý một số nội dung khi thực hiện quyết toán thuế GTGT năm 2014 để các bạn tiện theo dõi và hoàn thành tốt báo cáo tài chính năm nay.

Xem thêm:

>> Hoàn thuế GTGT

>> Sự khác nhau giữa không phải tính thuế, chịu thuế 0% và không chịu thuế GTGT

1/ Về đối tượng không chịu thuế GTGT

– Bán tài sản bảo đảm tiền vay do tổ chức tín dụng hoặc do cơ quan thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm tiền vay thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Kể từ ngày 15/11/2014: bên đi vay vốn tự bán tài sản bảo đảm theo ủy quyền của bên cho vay để trả nợ khoản vay có bảo đảm cũng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Thông tư số 151/2014/TT-BTC)

1.1. Về đối tượng không chịu thuế

– Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

– Chuyển “dịch vụ vệ sinh công cộng” từ đối tượng không chịu thuế sang áp dụng mức thuế suất 10%.

1.2. Về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

– DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho DN, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại.

Trường hợp DN, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho các đối tượng khác như hộ, cá nhân KD và các tổ chức khác thì nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 5%.

Căn cứ văn bản số 7062/BTC-TCT ngày 29/05/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT:

   Các sản phẩm sau đây là sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thực phẩm tươi sống không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại:

1. Tôm nguyên liệu – làm sạch – để nguyên con hoặc lặt đầu, bóc vỏ (xẻ lưng, rút tim…), cắt bụng, ép duỗi thẳng – xếp vào vỉ – hút chân không – đông lạnh.

2. Mực tươi – làm sạch – phân loại – cắt khúc, xếp khuôn – cấp đông – đóng gói – xuất bán.

3. Cá file; tôm, cá cấp đông.

4. Hạt điều tươi – phơi – hạt điều khô – sàng, hấp, cắt tách – sấy khô – bóc vỏ lụa – hun trùng – đóng thùng.

5. Lúa (thóc) xay xát ra gạo – gạo đã qua công đoạn đánh bóng.

6. Sản phẩm cám, tấm, trấu được tạo ra từ quá trình xay xát thóc được coi là sản phẩm trồng trọt mới qua sơ chế thông thường hoặc chưa chế biến thành sản phẩm khác.

7. Phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản như tấm; trấu; đầu tôm; vỏ tôm; đầu cá; xương cá; nội tạng và phế phẩm thu được sau giết mổ khác của động vật; mỡ tươi;… ở khâu kinh doanh thương mại cũng thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Căn cứ văn bản số 6154/BTC-TCT ngày 13/05/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT đối với sản phẩm từ dừa:

DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm cơm dừa nạo sấy (quả dừa được tách vỏ, gọt sạch vỏ, xay nhuyễn, sấy khô thành sản phẩm cơm dừa sấy khô); vỏ dừa; gáo dừa; xơ dừa; chỉ xơ dừa; mụn dừa; da dừa; nước dừa là các sản phẩm mới qua sơ chế thông thường cho DN, HTX ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT

Căn cứ văn bản số 7193/BTC-TCT ngày 30/05/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT đối với sản phẩm cao su:

Mủ cao su thiên nhiên sơ chế áp dụng thuế suất thuế GTGT là 5% áp dụng thống nhất ở khâu nhập khẩu, sản xuất hay kinh doanh TM (bao gồm cả trường hợp DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán sản phẩm cho DN, HTX ở khâu kinh doanh thương mại)gồm những chủng loại:

– Chủng loại cao su tờ xông khói: RSS 1, RSS 2, RSS 3, RSS 4, RSS 5.

– Chủng loại cao su định chuẩn kỹ thuật (TSR: Technically Specified Rubber) còn gọi là cao su khối hoặc cao su cốm, gồm các cấp hạng sau: SVR L, SVR 3L, SVR 5, SVR 10, SVR 10CV, SVR20, SVR 20CV, SVR CV60, SVR CV50.

– Chủng loại cao su cô đặc: HA, LA, XA, HA kem hóa, LA kem hóa.

– Chủng loại khác: skim, crếp, hỗn hợp, mủ bún, mủ ly lâm, mủ latex…

Về mủ cao su chưa qua sơ chế:

Mủ cao su thiên nhiên chưa qua sơ chế  (như mủ tươi, mủ đông) do tổ chức, cá nhân tự trồng trọt, bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán mủ cao su thiên nhiên chưa qua sơ chế cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

Căn cứ văn bản số 11613/BTC-TCT ngày 19/08/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT đối với sản phẩm bông:

Sản phẩm bông đã được tách hạt, tách cọng; bỏ vỏ; lọc rác để loại bỏ một phần tạp chất; đóng kiện (bông thiên nhiên chưa chải thô hoặc chưa chải kỹ) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

Sản phẩm bông đã qua chải thô hoặc chải kỹ (bông sơ chế) áp dụng thống nhất mức thuế suất thuế GTGT 5%

Căn cứ văn bản số 11604/BTC-TCT ngày 19/08/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT:

Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường (bao gồm cả tấm, cám, trấu được tạo ra từ quá trình xay xát thóc hoặc xay xát lúa mì) dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu để SX thức ăn chăn nuôi không chịu thuế GTGT ở khâu trực tiếp SX và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại

Trường hợp trước đó, doanh nghiệp đã thực hiện khác với hướng dẫn của Bộ Tài chính tại các công văn trên thì không thực hiện điều chỉnh lại, doanh nghiệp được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế theo quy định.

Sản phẩm đã qua chế biến (bao gồm cả cám) dùng làm thức ăn chăn nuôi hoặc nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi đáp ứng các quy định về thức ăn chăn nuôi tại Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 02/05/2010 của Chính phủ và thuộc Danh mục tạm thời thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm được phép lưu hành tại Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 26/2012/TT-BNNPTNT ngày 25/6/2012 của Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn thì áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Căn cứ văn bản số 12571/BTC-TCT ngày 08/09/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT đối với sản phẩm từ gỗ :

+ Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng và bán ra thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

+ Đối với sản phẩm gỗ tròn, gỗ nguyên cây chưa chế biến do DN, HTX nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho DN, HTX ở khâu KD thương mại thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT, trường hợp bán cho hộ, cá nhân KD và tổ chức, cá nhân khác thì áp dụng thuế suất 10%.

+ Sản phẩm gỗ đã qua chế biến như: gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.

+ Từ ngày 01/01/2014 đến trước ngày ban hành công văn này, đã áp dụng thuế suất khác hướng dẫn nêu trên thì không thực hiện điều chỉnh lại.

Căn cứ văn bản số 15895/BTC-TCT ngày 31/10/2014 của BTC hướng dẫn về thuế GTGT đối với sản phẩm trồng trọt:

Mặt hàng hạt tiêu xay, quế xay thuộc Chương 9 trong danh mục Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC, áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% ở khâu sản xuất bán ra, khâu nhập khẩu và kinh doanh thương mại.

– Mặt hàng nho khô là sản phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT ở khâu tự sản xuất bán ra, ở khâu nhập khẩu; ở khâu kinh doanh thương mại thì thuộc trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT.

Các mặt hàng cám mì, tấm mì, cám gạo (thuộc các mã hàng 2302.30.00 và 2302.40.10) đã qua chế biến, dùng làm thức ăn chăn nuôi áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5% theo Biểu thuế GTGT ban hành kèm theo Thông tư số 83/2014/TT-BTC.

Các mặt hàng cám mì, tấm mì và cám gạo (được tạo ra từ quá trình xay xát thóc hoặc xay xát lúa mì) là phế phẩm, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt nên được xác định là sản phẩm chưa qua chế biến thành sản phẩm khác thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng ở khâu tự sản xuất bán ra, ở khâu nhập khẩu và không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

Mặt hàng bã mía là phụ phẩm trong sản xuất đường, áp dụng mức thuế suất thuế GTGT là 5%

3. Giá tính thuế GTGT

a/ Giá tính thuế GTGT đối với tài sản cố định tự làm như sau:

“Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định (tài sản cố định tự làm) để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hoá đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định”.

b. Giá tính thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng nội bộ:

– Hàng hóa luân chuyển nội bộ như  hàng hoá được xuất để chuyển kho nội bộ, xuất vật tư, bán thành phẩm, để tiếp tục quá trình sản xuất trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc hàng hoá, dịch vụ do cơ sở kinh doanh xuất hoặc cung ứng sử dụng phục vụ hoạt động kinh doanh thì không phải tính, nộp thuế GTGT.

Áp dụng từ ngày 1/9/2014 (TT 119/2014/TT-BTC)

Ví dụ : Đơn vị A là doanh nghiệp sản xuất quạt điện, dùng 50 sản phẩm quạt lắp vào các phân xưởng sản xuất để phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị thị đơn vị A không phải tính nộp thuế GTGT .

Ví dụ: Công ty Y là DN sản xuất nước uống đóng chai, giá chưa có thuế GTGT 1 chai nước đóng chai trên thị trường là 4.000 đồng. Công ty Y xuất ra 300 chai nước đóng chai  để phục vụ trong các cuộc họp công ty thì Công ty Y không phải kê khai, tính thuế GTGT.

c. Giá tính thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hoá cho vay mượn:

Trường hợp xuất HH, máy móc, thiết bị, khuôn mẫu dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, CSKD không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.

Áp dụng từ ngày 1/9/2014 (TT 119/2014/TT-BTC)

4. Thuế suất 0%

a/ Xác định dịch vụ xuất khẩu áp dụng thuế suất 0%

Là DV cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài và được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, cung cấp trực tiếp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan;

Trước: DV cung cấp cho tổ chức cá nhân trong khu phi thuế quan không quy định ngoài khu phi thuế quan; tổ chức nước ngoài phải không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài phải không cư trú tại Việt Nam, không quy định phải tiêu dùng ngoài Việt Nam.

– Trường hợp cung cấp DV mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng DV được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị DV thực hiện ở ngoài Việt Nam và CSKD cung cấp DV là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh DV thực hiện ở ngoài Việt Nam.

– Căn cứ Văn bản số 4262/TCT-CS ngày 01/10/2014 của Tổng Cục Thuế  thì dịch vụ kiểm định hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cung cấp cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài được xác định là dịch vụ tiêu dùng ngoài Việt Nam được áp dụng thuế suất 0%

– Căn cứ văn bản số 4375/TCT-CS ngày 7/10/2014 của Tổng Cục Thuế thì dịch vụ giám định cho lô hàng hóa nhập khẩu cung cấp cho tổ chức nước ngoài được xác định là dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam áp dụng thuế suất 10% 

b/ HH bán mà điểm giao nhận HH ở ngoài Việt Nam (bao gồm bán cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam) được xác định là HH xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

CSKD (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận HH ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua HH ký với bên bán HH ở nước ngoài; hợp đồng bán HH ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh HH được giao, nhận ở ngoài Việt Nam; chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Trước: không phải tính và kê khai nộp thuế GTGT đối với hàng hoá bán ngoài Việt Nam

c/ Về điều kiện về hóa đơn đối với HH, DV xuất khẩu được áp dụng thuế suất 0%.

– Trước ngày 01/06/2014: DN, HTX xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ra nước ngoài sử dụng hóa đơn xuất khẩu. Nếu cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế, xuất khẩu vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như là xuất khẩu sử dụng hóa đơn GTGT (nếu là DN khấu trừ), sử dụng hóa đơn bán hàng (nếu là DN trực tiếp). (Thông tư số 64/2013/TT-BTC)

– Từ ngày 01/06/2014: DN, HTX xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ra nước ngoài, cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế, xuất khẩu vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như là xuất khẩu sử dụng hóa đơn GTGT (nếu là DN khấu trừ), sử dụng hóa đơn bán hàng (nếu là DN trực tiếp). (Thông tư số 39/2014/TT-BTC).

Trường hợp doanh nghiệp còn tồn hóa đơn xuất khẩu đăng ký tiếp tục sử dụng (hạn chót là ngày 31/07/2014) thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết

– Từ ngày 01/09/2014: DN, HTX xuất khẩu hàng hóa dịch vụ ra nước ngoài sử dụng hóa đơn thương mại (không sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng) cung cấp dịch vụ vận tải quốc tế, xuất khẩu vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như là xuất khẩu sử dụng hóa đơn GTGT (nếu là DN khấu trừ), sử dụng hóa đơn bán hàng (nếu là DN trực tiếp). (Thông tư số 119/2014/TT-BTC).

Trường hợp còn tồn hóa đơn XK đăng ký tiếp tục sử dụng (hạn chót là ngày 31/07/2014) thì được tiếp tục sử dụng cho đến hết đối với hoạt động XK ra nước ngoài 

5. Khấu trừ thuế GTGT

5.1/ Khấu trừ thuế GTGT đầu vào TSCĐ

Thuế GTGT đầu vào của TSCĐ sử dụng đồng thời cho SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của TSCĐ dùng cho SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT.

Trước: thuế GTGT đầu vào của TSCĐ sử dụng đồng thời cho SXKD hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ.

5.2/ Về thời hạn kê khai khấu trừ:

Bỏ khống chế thời hạn (6 tháng) kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hóa đơn điều chỉnh bổ sung trong trường hợp có sai sót, miễn là trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế để phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế.

5.3/ Khấu trừ số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan: Cơ sở kinh doanh được khấu trừ toàn bộ, trừ trường hợp cơ quan hải quan xử phạt về gian lận, trốn thuế.

5.4/ Về kê khai khấu trừ đối với trường hợp chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo hợp đồng thanh toán chậm:

Trường hợp hàng hóa dịch vụ mua vào có hợp đồng thanh toán trả chậm, nhưng chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc trước ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, CSKD vẫn được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng hoặc đến ngày 31/12 hàng năm đối với trường hợp thời điểm thanh toán theo hợp đồng sớm hơn ngày 31/12, nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, CSKD phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ.

5.5/ Về việc kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với HH, DV chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2014).

Đối với HH, DV mua trả chậm, trả góp có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên chưa có chứng từ thanh toán qua ngân hàng do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai khấu trừ.

Trường hợp khi thanh toán, cơ sở kinh doanh không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì cơ sở kinh doanh phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt (kể cả trong trường hợp cơ quan thuế và các cơ quan chức năng đã có quyết định thanh tra, kiểm tra kỳ tính thuế có phát sinh thuế GTGT đã kê khai, khấu trừ).

5.6/ Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với chứng từ thanh toán bằng thẻ ATM của cá nhân:

Trường hợp người lao động đi công tác phục vụ hoạt động SXKD và giao cho cá nhân tự mua vé máy bay, thanh toán bằng thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng mang tên cá nhân, sau đó về thanh toán lại với doanh nghiệp thì được kê khai khấu trừ thuế GTGT nếu có đủ hồ sơ, chứng từ gồm:

– Vé máy bay, thẻ lên máy bay (trường hợp thu hồi được thẻ),

– Các giấy tờ liên quan đến việc điều động người lao động đi công tác có xác nhận của doanh nghiệp, quy định của doanh nghiệp cho phép người lao động thanh toán công tác phí bằng thẻ cá nhân do người lao động được cử đi công tác là chủ thẻ và thanh toán lại với doanh nghiệp, chứng từ thanh toán tiền vé của doanh nghiệp cho cá nhân mua vé kèm theo chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của cá nhân tham gia hành trình vận chuyển

5.6/ Về khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với chứng từ thanh toán trong nội bộ doanh nghiệp.

Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính, Trụ sở chính và chi nhánh có mua bán hàng hóa phát sinh hóa đơn GTGT có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Nếu không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt , doanh nghiệp có quy chế thanh toán bù trừ nội bộ, nếu phương thức thanh toán là bù trừ giá trị hàng hóa, dịch vụ; bù trừ công nợ; hàng đối hàng thì vẫn đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào. (VB số 3920/TCT-CS ngày 10/9/2014 của TCT)