Ngày đăng: 15/12/2015 | Chuyên mục: Văn bản mới nhất | Lượt xem: 2369


      

Tải File đính kèm!

Căn cứ Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật số 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

Căn cứ Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;  Luật số 21/2012/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế;

Căn cứ Luật số 71/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế;

Căn cứ Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt;

Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

 Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủnhư sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thi hành Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được thực hiện theo quy định tại Điều 2 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 27/2008/QH12 ngày 14 tháng 11 năm 2008, tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt số 70/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Điều 2 Nghị định số 108/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Đối với mặt hàng điều hoà nhiệt độ công suất từ 90.000 BTU trở xuống thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB: trường hợp cơ sở sản xuất bán hoặc cơ sở nhập khẩu nhập tách riêng từng bộ phận là cục nóng hoặc cục lạnh thì hàng hóa bán ra hoặc nhập khẩu (cục nóng, cục lạnh) vẫn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB như đối với sản phẩm hoàn chỉnh (máy điều hoà nhiệt độ hoàn chỉnh).

Điều 3. Đối tượng không chịu thuế

Hàng hóa quy định tại Điều 2 Thông tư này không thuộc diện chịu thuế TTĐB trong các trường hợp sau:    

1. Hàng hóa do cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu hoặc bán, ủy thác cho cơ sở kinh doanh khác để xuất khẩu, bao gồm:

1.1. Hàng hoá do các cơ sở sản xuất, gia công trực tiếp xuất khẩu ra nước ngoài bao gồm cả hàng hoá bán, gia công cho doanh nghiệp chế xuất, trừ ô tô dưới 24 chỗ ngồi bán cho doanh nghiệp chế xuất.

Cơ sở có hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng đã thực tế xuất khẩu, cụ thể như sau:

– Hợp đồng bán hàng hoặc hợp đồng gia công cho nước ngoài.

– Hoá đơn bán hàng hoá xuất khẩu hoặc trả hàng, thanh toán tiền gia công.

– Tờ khai hàng hoá xuất khẩu.

– Chứng từ thanh toán qua ngân hàng.

Thanh toán qua ngân hàng là việc chuyển tiền từ tài khoản của bên nhập khẩu sang tài khoản mang tên bên xuất khẩu mở tại ngân hàng theo các hình thức thanh toán phù hợp với thỏa thuận trong hợp đồng và quy định của ngân hàng. Chứng từ thanh toán tiền là giấy báo Có của ngân hàng bên xuất khẩu về số tiền đã nhận được từ tài khoản của ngân hàng bên nhập khẩu. Trường hợp thanh toán chậm trả, phải có thỏa thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp uỷ thác xuất khẩu thì bên nhận uỷ thác xuất khẩu phải thanh toán với nước ngoài qua ngân hàng.

1.2. Cơ sở sản xuất hàng hoá thuộc diện chịu thuế TTĐB nếu tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu theo giấy phép tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, trong thời hạn chưa phải nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì khi tái nhập khẩu không phải nộp thuế TTĐB, nhưng khi cơ sở sản xuất bán hàng hoá này phải nộp thuế TTĐB.

1.3. Hàng hóa do cơ sở sản xuất bán hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu theo hợp đồng kinh tế.

Cơ sở sản xuất có hàng hoá thuộc trường hợp không phải chịu thuế TTĐB quy định tại điểm này phải có hồ sơ chứng minh là hàng hoá đã thực tế xuất khẩu như sau:

– Hợp đồng mua bán hàng hoá để xuất khẩu hoặc hợp đồng ủy thác xuất khẩu đối với trường hợp uỷ thác xuất khẩu giữa cơ sở sản xuất và cơ sở kinh doanh xuất khẩu.

– Hóa đơn bán hàng, giao hàng uỷ thác xuất khẩu.

– Biên bản thanh lý (thanh lý toàn bộ hoặc từng phần) hợp đồng bán hàng hoá để xuất khẩu, biên bản thanh lý hợp đồng uỷ thác xuất khẩu thể hiện rõ các nội dung sau:

Tên, số lượng, chủng loại, mặt hàng, giá bán của hàng hoá đã thực tế xuất khẩu; hình thức thanh toán; số tiền và số, ngày chứng từ thanh toán hàng hoá xuất khẩu qua ngân hàng của người mua nước ngoài cho cơ sở xuất khẩu; số tiền và số, ngày của chứng từ thanh toán giữa cơ sở sản xuất với cơ sở xuất khẩu hoặc cơ sở nhận uỷ thác xuất khẩu; số, ngày của hợp đồng xuất khẩu, bản sao tờ khai Hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu.

Đối với hàng hoá cơ sở xuất khẩu mua, nhận uỷ thác xuất khẩu để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế TTĐB đối với các hàng hoá này khi tiêu thụ (bán) trong nước.

1.4. Hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

 Cơ sở có hàng hoá mang ra nước ngoài để bán tại hội chợ triển lãm phải có đủ thủ tục:

– Giấy mời hoặc giấy đăng ký tham gia hội chợ triển lãm ở nước ngoài.

– Tờ khai hàng hoá xuất khẩu có xác nhận của cơ quan hải quan về hàng hoá đã xuất khẩu.

– Bảng kê hàng bán tại hội chợ triển lãm.

– Chứng từ thanh toán tiền đối với hàng hoá bán tại hội chợ triển lãm, trường hợp bán hàng thu tiền mặt có giá trị trên mức quy định thì phải khai báo với cơ quan Hải quan, có chứng từ nộp tiền vào ngân hàng theo quy định hiện hành.

2. Hàng hóa nhập khẩu trong các trường hợp sau:         

2.1. Hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng, quà biếu bao gồm:

a) Hàng viện trợ nhân đạo và hàng viện trợ không hoàn lại, bao gồm cả hàng nhập khẩu bằng nguồn viện trợ không hoàn lại được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; hàng trợ giúp nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh.

b) Quà tặng của các tổ chức, cá nhân ở  nước ngoài cho các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.

c) Quà biếu, quà tặng cho cá nhân tại Việt Nam theo định mức quy định của pháp luật.

2.2. Hàng hóa quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu, bao gồm:

a) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

b) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam.

c) Hàng quá cảnh, mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam trên cơ sở Hiệp định đã ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài hoặc giữa cơ quan, người đại diện được Chính phủ Việt Nam và Chính phủ nước ngoài ủy quyền.

d) Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam.

2.3. Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn không phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế TTĐB tương ứng với số hàng thực tái xuất khẩu.

Hàng hóa tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu, nếu thực tái nhập khẩu trong thời hạn không phải nộp thuế xuất khẩutheo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế TTĐB tương ứng với số hàng thực tái nhập khẩu.

2.4. Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, nếu thực tái xuất khẩu trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định.

Hết thời gian hội chợ, triển lãm mà tổ chức, cá nhân không tái xuất hàng tạm nhập khẩu thì phải kê khai, nộp thuế TTĐB; nếu tổ chức, cá nhân không kê khai mà bị kiểm tra, phát hiện thì ngoài việc truy thu thuế TTĐB còn bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

2.5. Đồ dùng của tổ chức, cá nhân nước ngoài theo tiêu chuẩn miễn trừ ngoại giao theo quy định của pháp luật về miễn trừ ngoại giao.

2.6. Hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế nhập khẩu của cá nhân người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất, nhập cảnh qua cửa khẩu Việt Nam.

2.7. Hàng nhập khẩu để bán miễn thuế tại các cửa hàng bán hàng miễn thuế theo quy định của pháp luật.

3. Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ hai loại hàng hóa sau: hàng hóa được đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống, không có hàng rào cứng và xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

Hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết không thu thuế TTĐB đối với các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này được thực hiện như quy định về giải quyết không thu thuế, miễn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Cơ sở nhập khẩu các mặt hàng thuộc các trường hợp không ph¬ải chịu thuế TTĐB khi nhập khẩu theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này, nếu dùng vào mục đích khác thì phải kê khai, nộp thuế TTĐB khâu nhập khẩu với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịchvà tàu bay sử dụng cho mục đích an ninh, quốc phòng.

Trường hợp tàu bay, du thuyền thuộc diện không chịu thuế TTĐB nhưng sau đó không sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, kinh doanh du lịch và mục đích an ninh, quốc phòng thì phải chịu thuế TTĐB.

Cơ sở kinh doanh có tàu bay, du thuyền nhập khẩu chuyển đổi mục đích nêu trên phải kê khai nộp thuế TTĐB với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Cơ sở kinh doanh có tàu bay, du thuyền được sản xuất trong nước chuyển đổi mục đích nêu trên phải kê khai nộp thuế TTĐB theo giá trị còn lại sau khi trừ giá trị đã khấu hao theo quy định với cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

5. Đối với xe ô tô quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện; xe bọc thép phóng thang; xe truyền hình lưu động; xe thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông và các loại xe chuyên dụng, xe không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông do Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan có hướng dẫn cụ thể.

Cơ sở kinh doanh nhập khẩu xe ô tô có thiết kế chỉ dùng để chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB nêu tại khoản 5 Điều này phải xuất trình cho cơ quan hải quan nơi mở tờ khai nhập khẩu hồ sơ, thủ tục sau:

– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứng minh cơ sở nhập khẩu có chức năng kinh doanh khu vui chơi, giải trí, thể thao (có chữ ký, đóng dấu của cơ sở nhập khẩu).

– Cơ sở kinh doanh nhập khẩu ghi rõ trên Tờ khai hàng hoá nhập khẩu nội dung: “xe ô tô được thiết kế, chế tạo chỉ dùng chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông”. Cơ sở nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ nhập khẩu.

Cơ quan hải quan nơi cơ sở kinh doanh nhập khẩu đăng ký mở Tờ khai hàng hóa nhập khẩu kiểm tra hàng hóa và không thu thuế TTĐB mặt hàng nêu trên, không cấp Tờ khai xác nhận nguồn gốc xe nhập khẩu cho cơ sở kinh doanh nhập khẩu.

Trường hợp xe ô tô có thiết kế chỉ dùng chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông không phải chịu thuế TTĐB, cơ sở nhập khẩu đã làm thủ tục nhập khẩu như hướng dẫn tại khoản 5 Điều này với cơ quan hải quan, nếu thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu, không sử dụng trong khu vui chơi, giải trí, thể thao và là loại xe ô tô thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB thì cơ sở nhập khẩu phải kê khai, nộp thuế TTĐB với cơ quan hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp cơ sở nhập khẩu không khai báo với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu để nộp thuế TTĐB do thay đổi mục đích sử dụng so với khi nhập khẩu thì cơ sở nhập khẩu sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

6. Điều hoà nhiệt độ có công suất từ 90.000 BTU trở xuống, theo thiết kế của nhà sản xuất chỉ để lắp trên phương tiện vận tải, bao gồm ô tô, toa xe lửa, tàu, thuyền, tàu bay.

 Trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu; uỷ thác nhập khẩu hệ thống điều hoà trung tâm trên 90.000 BTU hoặc cơ sở kinh doanh nhập khẩu ký hợp đồng với nhà thầu lắp đặt thiết bị trong nước về việc cung cấp hệ thống điều hòa trung tâm trên 90.000 BTU; việc giao hàng tùy thuộc vào tiến độ thi công công trình (hệ thống điều hòa này được nhập khẩu thành nhiều lần, nhiều chuyến) để không phải tính nộp thuế TTĐB đối với từng lần nhập khẩu là các chi tiết của thiết bị nhập khẩu như cục nóng hoặc cục lạnh thì hồ sơ cần xuất trình với cơ quan hải quan gồm:

– Hợp đồng nhập khẩu (trường hợp uỷ thác nhập khẩu phải có thêm hợp đồng uỷ thác nhập khẩu) hoặc hợp đồng mua bán (bản chính hoặc bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp nhập khẩu) hệ thống điều hòa trung tâm với nhà thầu thi công trong nước; trong hợp đồng phải thể hiện đây là thiết bị đồng bộ có công suất trên 90.000 BTU được nhập khẩu nguyên chiếc theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất kèm theo bảng kê số lượng các chi tiết của thiết bị nhập khẩu.

– Sơ đồ kết nối hệ thống điều hòa trung tâm có xác nhận của đơn vị nhập khẩu và nhà thầu thi công (trong trường hợp có nhà thầu thi công).

– Chứng thư giám định về công suất và tính đồng bộ của thiết bị nhập khẩu, đồng thời các bộ phận tách rời (cục nóng, cục lạnh) hoặc nhóm các bộ phận tách rời của thiết bị không thể tự hoạt động độc lập do cơ quan giám định có thẩm quyền theo quy định của pháp luật cấp.

Trường hợp từng bộ phận tách rời hoặc một số bộ phận tách rời lắp được thành một máy điều hòa nhiệt độ hoàn chỉnh, có công suất từ 90.000 BTU trở xuống hoạt động độc lập không cần kết nối với hệ thống thì từng bộ phận này vẫn phải chịu thuế TTĐB.

– Bản cam kết của cơ sở kinh doanh nhập khẩu về việc sử dụng hàng nhập khẩu đúng mục đích và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình.

Căn cứ vào hồ sơ xuất trình của cơ sở kinh doanh, cơ quan hải quan lập phiếu theo dõi trừ lùi như Phụ lục I được ban hành kèm theo Thông tư này để theo dõi quản lý.

Điều 4. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế TTĐB là tổ chức, cá nhân có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, bao gồm:

1.1. Các tổ chức kinh doanh được thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (nay là Luật Doanh nghiệp) và Luật Hợp tác xã.

1.2. Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức sự nghiệp và các tổ chức khác.

1.3. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và bên nước ngoài tham gia hợp tác kinh doanh theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (nay là Luật đầu tư); các tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

1.4. Cá nhân, hộ gia đình, nhóm người kinh doanh độc lập và các đối tượng khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu.

2. Cơ sở kinh doanh xuất khẩu mua hàng chịu thuế TTĐB của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế TTĐB. Khi bán hàng hóa, cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải kê khai và nộp đủ thuế TTĐB.