Ngày đăng: 19/01/2015 | Chuyên mục: Văn bản mới nhất | Lượt xem: 3136


Thuộc tính văn bản

Số hiệu
200/2014/TT-BTC
Nơi ban hành
Bộ Tài Chính
Ngày ban hành
22/12/2014
Phân loại
Thông tư
Người ký
Trần Xuân Hà
Ngày hiệu lực
1/1/2015

Tóm tắt văn bản

Ngày 22/12/2014, Bộ Trưởng Bộ Tài chính ký Thông tư số 200/2014/TT-BTC thay thế Quyết định số 15/2006 ngày 20/03/2006 về chế độ kế toán doanh nghiệp và Quyết định 202/2014 về hướng dẫn lập báo cáo tài chính hợp nhất.
1. Thông tư số 200/2014/TT-BTC thay thế toàn bộ Quyết định 15, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2015 và áp dụng cho việc lập và trình bày BCTC từ năm 2015 trở đi;
2. Thông tư số 200/2014/TT-BTC cởi mở hơn so với Quyết định 15, mang tính chất hướng dẫn nhiều, coi trọng BẢN CHẤT HƠN HÌNH THỨC.
3. Thay đổi về bản chất một số điểm chính sau đây:
a. Bỏ 3 hình thức ghi sổ kế toán (nhật ký chứng từ, chứng từ ghi sổ, nhật ký chung)
Nhiều giao dịch/nghiệp vụ thay đổi quan điểm ghi nhận. Theo đó (i) có một số TK bỏ đi, một số TK thêm vào, (ii) trình bày một số chỉ tiêu trên BCTC có thay đổi, (iii) việc hạch toán vào một số TK sẽ khác với việc trình bày trên BCTC, ….
b. Hệ thống mẫu sổ kế toán và chứng từ kế toán không bắt buộc phải tuân thủ, doanh nghiệp có thể tự thiết kế mẫu sổ kế toán, chứng từ kế toán cho phù hợp với từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn ban hành mẫu sổ và chứng từ kế toán để mang tính chất hướng dẫn doanh nghiệp nếu doanh nghiệp không tự thiết kế mẫu sổ và chứng từ cho riêng mình.
c. Khi lập báo cáo tài chính thì sự giảm giá tài sản (impairment asset) được xem xét đến cho một số nghiệp vụ: Ví dụ: Một số khoản đầu tư tài chính và bất động sản đầu tư.
d. Việc ghi nhận giao dịch/nghiệp vụ theo hướng sẽ được tuân thủ cao nhất chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). e. Việc hạch toán cho mục đích kế toán sẽ có sự phân biệt rõ với mục đích thuế.
f. Thuyết minh BCTC bao gồm cả nội dung và đối tượng.
g. Các chỉ tiêu không phát sinh trên BCTC doanh nghiệp được phép bỏ đi.
h. Rất nhiều nghiệp vụ hạch toán thay đổi: Thay đổi số hiệu TK hạch toán, thay đổi quan điểm ghi nhận giao dịch. Ví dụ bổ một số TK 129, 139, 142, 144, 223, 311, 315, 342, 415, 512, 531, 532, … đổi tên TK 344, thêm TK 1534, 1557, …, một số tên gọi tài khoản thay đổi, khi hạch toán không quan niệm TK ngắn hạn hay dài hạn, chỉ khi lập BCTC mới quan tâm đến tài sản ngắn hạn và dài hạn.
i. Trong chế độ mới có nội dung hướng dẫn về chuyển số dư và điều chỉnh hồi tố.
j. BCTC hợp nhất là một phần của chế độ kế toán doanh nghiệp.
k. Chia cổ tức dựa trên BCTC hợp nhất, không dựa trên BCTC công ty mẹ.
l. Một số tình huống hợp nhất BCTC được hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là hợp nhất BC lưu chuyển tiền tệ.

     

Tải File đính kèm!

BỘ TÀI CHÍNH

    

Số:   200/2014/TT-BTC

     CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

  Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

          Hà Nội, ngày 22 tháng 12 năm 2014

THÔNG TƯ

Hướng dẫn hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp

 

Căn cứ Luật Kế toán ngày 17/06/2003;

Căn cứ Nghị định số 129/2004/NĐ- CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kế toán trong hoạt động kinh doanh;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán;

Bộ Tài Chính ban hàng Thông tư 200/TT – BTC hướng dẫn Chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:

CHƯƠNG I – NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế trong cả nước. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với hệ thống tài khoản của mình.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Các quy định tại Thông tư này áp dụng cho việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày báo cáo tài chính. Việc xác định các khoản doanh thu, thu nhập tính thuế và chi phí được trừ khi nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp.

 CHƯƠNG II – BÁO CÁO TÀI CHÍNH

MỤC 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 3. Mục đích của báo cáo tài chính

1. Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:

                 a. Tài sản;

                 b. Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu;

                 c. Doanh thu, thu nhập khác, chi phí kinh doanh và chi phí khác;

                 d. Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;

                 đ. Thuế và các khoản nộp Nhà nước;

                 e. Tài sản khác có liên quan đến đơn vị kế toán;

                 g. Các luồng tiền.

2. Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày báo cáo tài chính.

Điều 4. Kỳ lập báo cáo tài chính

1. Kỳ lập báo cáo tài chính năm: Các doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính năm theo quy định của Luật kế toán.

2. Kỳ lập báo cáo tài chính giữa niên độ: Kỳ lập báo cáo tài chính giữa niên độ là mỗi quý của năm tài chính (bao gồm cả quý IV).

3. Kỳ lập báo cáo tài chính khác

– Các doanh nghiệp có thể lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác (như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng…) theo yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc của chủ sở hữu.

– Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản phải lập báo cáo tài chính tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.

Điều 5. Đối tượng áp dụng, trách nhiệm lập và trình bày báo cáo tài chính

1. Đối với báo cáo tài chính năm

1.1. Hệ thống báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế.

1.2. Các công ty mẹ có công ty con, các doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân ngoài việc phải lập báo cáo tài chính năm của công ty mẹ còn phải lập báo cáo tài chính hợp nhất vào cuối kỳ kế toán năm. Báo cáo tài chính hợp nhất phải tuân thủ quy định tại chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con”.

 Nội dung, phương pháp tính toán, hình thức trình bày, thời hạn lập, nộp, và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư Hướng dẫn Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con” và Thông tư hướng dẫn Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh”.

1.3. Các doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp cấp trên và báo cáo tài chính tổng hợp trong đó đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân. Khi phát hành báo cáo tài chính, doanh nghiệp cấp trên chỉ phải công bố báo cáo tài chính tổng hợp (trừ khi cơ quan có thẩm quyền có yêu cầu khác) và phải đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.

1.4. Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập báo cáo tài chính của mình để phục vụ cho việc tổng hợp báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kê khai quyết toán thuế.

1.5. Riêng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn tuân thủ các quy định chung tại phần này và những qui định, hướng dẫn cụ thể phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ tại chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.

2. Đối với báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý):

Báo cáo tài chính giữa niên độ được áp dụng cho các DNNN, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp khác khi tự nguyện lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Đối tượng lập Báo cáo tài chính quý phải lập cả báo cáo tài chính quý IV của năm tài chính.

– Đối với DNNN, các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ. Các doanh nghiệp khác nếu tự nguyện lập báo cáo tài chính giữa niên độ thì được lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược.

– Các công ty niêm yết hoặc DNNN là đối tượng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp theo quý phải trình bày báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp dạng đầy đủ. Các doanh nghiệp khác là đối tượng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc báo cáo tài chính tổng hợp, nếu tự nguyện lập báo cáo tài chính hợp nhất hoặc tổng hợp giữa niên độ thì được lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược.

3. Việc lập và trình bày báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thù: Phải tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.