Ngày đăng: 28/10/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp các tình huống kế toán | Lượt xem: 2081


      

    TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ 

     Nghề kế toán luôn đòi hỏi bạn phải xử lý tốt các tình huống về kế toán có thể xảy ra. Dưới đây là một số tình huống mà Kế Toán Hà Nội chúng tôi đã gặp phải trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán cho các doanh nghiệp. Hy vọng với các bạn kế toán cho dù mới bước vào nghề hay còn đang ngồi trên ghế nhà trường thì đây là những tình huống bổ ích giúp ích rất nhiều cho các bạn.

Tình huốn​g 11:          

     Công ty A (nước ngoài) và Công ty B cùng hợp tác đầu tư thành lập công ty C là công ty TNHH 2 thành viên,với tỷ lệ góp vốn 70-30. Vốn điều lệ theo GCNĐT là US$100, tương đương với VND2 triệu. Khi thực sự góp vốn, tỷ giá thay đổi. VND là đơn vị hạch toán kế toán. Do thay đổi về tỷ giá, số tiền VND góp vốn sẽ tạo ra tỷ lệ sở hữu khác nhau về VND,trong khi về USD,tỷ lệ sở hữu không thay đổi. Về mặt trình bày Báo cáo tài chính, C cần trình bày như thế nào về mặt tỷ lệ sở hữu ?

Trả lời:

     Trường hợp trong Giấy chứng nhận đầu tư đã ghi vốn góp của từng bên bằng đồng Đôla Mỹ thì trên bản Thuyết minh Báo cáo tài chính cần giải trình rõ lý do dẫn đến sự thay đổi tỷ lệ sở hữu vốn của các bên là do thay đổi về tỷ lệ giá giữa đồng Việt Nam và đồng Đôla Mỹ.

Tình huốn​g 12:

    Lãi thu được từ việc bán hàng chậm thanh toán thì thuộc dòng tiền kinh doanh hay dòng tiền đầu tư khi trình bày Báo cáo LCTT. Tôi xem hướng dẫn chỉ tiêu “Tiền thu lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia” thì không thấy nói đến lãi chậm thanh toán trong khi bản chất thì do khách hàng chiếm dụng vốn nên trả lãi ?

Trả lời:

    Tiền lãi phát sinh do hàng bán hàng  trả chậm, trả góp được hạch toán vào doanh thu từ hoạt động tài chính (515), do đó, khoản tiền lãi này được tính vào chỉ tiêu “Tiền thu lãi cho vay,cổ tức và lợi nhuận được chia” thuộc luồng tiền từ hoạt động đầu tư trên Báo cáo LCTT.

Tình huốn​g 13:

   Công ty A đầu tư vào công ty B theo số vốn cam kết là 4,5 tỷ – Vốn công ty A trong điều lệ công ty B (chiếm 90% của công ty B). Đến 31/12/2011, công ty A mới góp vào công ty B bằng tiền 2 tỷ, số còn lại kế toán của A ghi nhận như khoản nợ phải trả; cụ thể :

          Nợ TK 221 : 4,5 tỷ

                Có TK 111 : 2,0 tỷ

                Có TK 338 : 2,5 tỷ

   Công ty B xác nhận vốn của công ty A còn nợ 2,5 tỷ. Xin hỏi : Trong trường hợp nêu trên công ty A có ghi nhận khoản đầu tư chưa góp đủ vào công ty B là 2,5 tỷ được không ?

Trả lời:

    Theo quy định của Chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành, khoản vốn chưa góp đủ của chủ sở hữu một công ty không được ghi nhận là một khoản phải trả. Vì vậy việc ghi vào bên Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác số tiền 2,5 tỷ chưa góp đủ vốn cam kết của công ty A là chưa phù hợp với quy định hiện hành.

    Trong trường hợp này, trên sổ kế toán và Báo cáo tài chính của công ty A chỉ được phản ánh khoản đầu tư vào công ty B là 2 tỷ. Số vốn góp vào công ty B còn thiếu 2,5 tỷ theo cam kết phải được thuyết minh rõ ràng trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Tình huốn​g 14:

      Công ty A là cổ đông sáng lập của công ty B. Sau một thời gian công ty B thay đổi vốn, lên sàn giao dịch chứng khoán. Câu hỏi như sau : Nếu tại 31/12/2012, số lượng cổ phiếu công ty A đang nắm giữ đã đủ điều kiện giao dịch bình thường, đồng thời chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu của công ty B thì công ty A sẽ áp dụng phương pháp trích lập dự phòng các khoản đầu tư nào ?

 – Phương pháp đầu tư chứng khoán (tức là theo giá chứng khoán) ?

 – Phương pháp đầu tư tài chính (trích lập dự phòng theo Báo cáo tài chính riêng của công ty B) ?

Trả lời:

      Ở thời điểm hiện tại, tỷ lệ góp vốn của công ty A trong công B chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với vốn chủ sở hữu của công ty A nhưng việc phân loại khoản đầu tư này vẫn phải xem xét dựa trên các định nghĩa trong các Chuẩn mực kế toán số 07 – Đầu tư vào công ty liên kết.

 – Nếu công ty B có ảnh hưởng đáng kể đến công ty A thì công ty B áp dụng phương pháp lập dự phòng theo kết quả kinh doanh trên Báo cái tài chính của công ty A.

 – Nếu công ty B chỉ là nhà đầu tư của công ty A (nắm giữ dưới 20% quyền biểu quyết tại công ty A) và đủ điều kiện giao dịch bình thường trên thị trường chứng khoán thì lập dự phòng theo phương pháp áp dụng cho việc đầu tư chứng khoán (theo giá thị trường của chứng khoán).

Tình huốn​g 15:

     Doanh nghiệp A ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp B để cùng đầu tư một tài sản. Doanh nghiệp A ủy quyền cho daonh nghiệp B thực hiện đầu tư, theo dõi, hạch toán, quản lý, vận hành tài sản và chỉ nhận lợi nhuận sau thuế được chia từ việc kinh doanh tài sản này đồng thời nhận lại vốn đầu tư thông qua khấu hao tài sản. Vậy việc hạch toán kế toán tại doanh nghiệp A và doanh nghiệp B như thế nào ? Có thể hạch toán tại doanh nghiệp B như sau không ?

1. Nhận vốn góp từ doanh nghiệp A:

          Nợ TK 112

                 Có TK 338

2. Dùng vốn này đầu tư tài sản và ghi nhận doanh thu, giá vốn như bình thường tại B theo quy định hiện hành về kế toán và phản ánh trên BCTC của doanh nghiệp B.

3. Khi trả lại khấu hao cho doanh nghiệp A,doanh nghiệp B hạch toán :

          Nợ TK 338

                Có TK 112

Trả lời:

    Với đề xuất phương pháp hạch toán giao dịch  góp vốn vào hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B như bạn đã nêu trong câu hỏi. Tuy nhiên, tại doanh nghiệp B, khi chia lợi nhuận cho doanh nghiệp A sẽ ghi sổ kế toán như sau :

– Lợi nhuận phải trả cho doanh nghiệp A, ghi :

Nợ TK 421 – Lợi nhuận chưa phân phối

       Có TK 338 – Phải trả, phải nộp khác (chi tiết lợi nhuận phải trả cho doanh nghiệp B).

– Khi chuyển tiền trả khoản lợi nhuận cho doanh nghiệp B, ghi :

Nợ TK 338 – Phải trả, phải nộp khác

          Có TK 111,112