Ngày đăng: 31/10/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp các tình huống kế toán | Lượt xem: 2827


     

TÌNH HUỐNG KẾ TOÁN THỰC TẾ

    Hướng dẫn kế toán giải đáp các tình huống kế toán thực tế phát sinh trong các doanh nghiệp là phần không thể thiếu ở các bài giảng của Trung tâm Kế Toán Hà Nội với học viên. Sau đây là các tình huống kế toán thực tế đưa ra cho các bạn tham khảo:

Tình huống 16:

    Công ty TNHH A là 1 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, theo Giấy chứng nhận đầu tư vốn điều lệ của công ty là 4 tỷ VND (tương đương với 2 triệu USD). Trong năm 2012,khi nhà đầu tư góp đủ 2 triệu USD theo tỷ giá thực tế số tiền VND thực tế sẽ là 42 tỷ VND (theo tỷ giá của SBV) khoản chênh lệch 2 tỷ năm ghi nhận vào tài khoản nào ?

– Vốn pháp định ?

– Vốn khác (tương tự TK thặng dư vốn CP của công ty CP) ?

Trả lời:

    Số vốn 2 triệu USD mà công ty TNHH A là 1 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài góp vào Việt Nam theo tỷ giá thực tế tại thời điểm góp vốn là 42 tỷ thỳ 42 tỷ này được ghi nhận vào TK 411 – Nguồn vốn kinh doanh (TK 4111- Vốn đầu tư của chủ sở hữu ). Bởi vì 42 tỷ tương đương với 2 triệu USD như đã ghi rõ trong Giấy chứng nhận đầu tư. Khoản chênh lệch 2 tỷ này không thể ghi nhận là vốn thặng dư cổ phần hoặc vốn khác.

Tình huống​ 17:

      Khi một TSCĐ bị thu hồi: Ví dụ: 1 TSCĐ là 1 mạng cáp của 1 viễn thông tỉnh bị tháo dỡ thu hồi (TSCĐ này vẫn còn giá trị ). Phần tháo dỡ đơn vị nhập kho để tái sử dụng hoặc bán thanh lý. Như vậy trong thời gian chờ tái sử dụng thì TSCĐ này phải hạch toán giảm hay hạch toán vào TSCĐ chờ thanh lý. Do TSCĐ không còn tồn tại hạch toán vào TSCĐ chờ thanh lý lại không phù hợp ?

Trả lời:

     Nếu mang cáp của một viễn thông tỉnh đang được hạch toán là 1 TSCĐ của công ty bạn, thì khi bị thu hồi, tháo dỡ ra, các thiết bị rời đó không còn đủ tiêu chuẩn và điều kiện để ghi nhận là 1 TSCĐ chờ được tái sử dụng. Trong trường hợp này được hạch toán như một nghiệp vụ thanh lý TSCĐ: Các thiết bị tháo rời được nhập vào kho thiết bị (TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (chi tiết thiết bị XDCB) theo giá trị còn lại; Phần giá trị còn lại bị phá dỡ TSCĐ được hạch toán vào TK 811 – Chi phí khác. Tiền đền bù giải tỏa thu được và phế liệu thu hồi (nếu có ) được hạch toán vào TK 711 – Thu nhập khác. Các thiết bị tháo dỡ đã nhập kho đến khi được tái sử dụng hoặc bán thanh lý sẽ được hạch toán theo quy định hiện hành của chế độ kế toán doanh nghiệp.

Tình huống​ 18:

 1. Khi góp vốn hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất thì tài sản còn lại trên đất (nhà xưởng cũ đã đập phá và tháo dỡ) kết chuyển hết vào chi phí khác (TK 811) hay treo lại TK 241 đến khi hoàn thành dự án ?

 2. Nếu hạch toán giá trị còn lại của tài sản vào TK 811 thì có phát sinh thuế hoãn lại không ? Trường hợp không được thì làm thế nào để giá trị còn lại của tài sản này được chấp nhận là chi phí thuế để không bị thiệt cho doanh nghiệp ?

Trả lời:

1. Do câu hỏi nêu chưa cụ thể, vì vậy giao dịch của bạn nêu không thể hạch toán như thanh lý TSCĐ (giá trị còn lại của TSCĐ ghi vào TK 811 – Chi phí khác và cũng không thể hạch toán vào TK 241 – XDCB dở dang như trường hợp công ty bạn tự xây dựng cơ bản trên mảnh đất đó).

    Trong trường hợp này, khi góp vốn hợp tác kinh doanh bằng quyền sử dụng đất thì giá trị còn lại trên đất (nhà xưởng cũ đã đập phá và tháo dỡ) phải ghi nhận vào TK 242 – Chi phí trả trước. Sau đó phân bổ dần vào chi phí trong kỳ theo số năm thực hiện Hợp đồng hợp tác kinh doanh.

2. Điều bạn nêu trên về việc làm sao để giá trị còn lại của những tài sản này được chấp nhận là chi phí được trừ thì phải phụ thuộc vào tính trung thực của giao dịch, thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh có hiệu quả và giá trị của tài sản phá dỡ được phân bổ dần như đã nêu trên. Bạn cần tham khảo ý kiến cơ quan quản ý thuế trực tiếp để được tư vấn thêm.

Tình huống 19:

    Công ty CP tại Việt Nam có thuê công ty tư vấn thương hiệu ở nước ngoài, giá trị hợp đồng khoảng 4 tỷ VND, thời gian thực hiện khoảng 2 năm. Khi hoàn thành thương hiệu, công ty có kế hoạch chuyển nhượng thương hiệu (như kiểu KFC…). Xin hỏi : Chi phí tư vấn thương hiệu tập hợp vào YK 241,đến khi hoàn thiện thương hiệu hạch toán TK 213 có đúng không ? Thời gian khấu hao sẽ như thế nào ?

Trả lời:

   Căn cứ quy định tại Chuẩn mực kế toán số 04 – TSCĐ vô hình, việc ghi nhận TSCĐ vô hình được hình thành từ nội bộ doanh nghiệp chỉ được ghi nhận từ thời điểm kết quả triển khai thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình. Trong trường hợp bạn hỏi có thể được ghi nhận theo phương pháp được hướng dẫn tại TK 213 – TSCĐ vô hình (trong Chế độ kế toán doanh nghiệp – Quyết đinh số 15/2006/QĐ-BTC) như sau :

“4. Giá trị TSCĐ vô hình được hình thành từ nội bộ doanh nghiệp trong giai đoạn triển khai :

4.1. Khi phát sinh chi phí trong giai đoạn triển khai xét thấy kết quả triển khai không thỏa mãn định nghĩa và ghi nhận TSCĐ vô hình thì tập hợp vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ hoặc tập hợp vào chi phí trả trước dài hạn, ghi:

          Nợ TK 242 – Chi phí trả trước dài hạn (trường hợp giá trị lớn) hoặc:

          Nợ TK 642 – Chi phí quản lý doanh nghiệp.

                 Có các TK 111,112,152,153,331…

4.2. Khi xét thấy kết quả triển khai thỏa mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì :

a. Tập hợp chi phí thực tế phát sinh ở giai đoạn triển khai để hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi :

          Nợ TK 241 – XDCB dở dang.

          Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (1332 – nếu có)

                 Có các TK 111,112,152,153,331…

b. Khi kết thúc giai đoạn triển khai, kế toán phải xác định tổng chi phí thực tế phát sinh hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi :

          Nợ TK 213 – TSCĐ vô hình

                 Có TK 241 – XDCB dở dang.

Cần tham chiếu quy định tại Chuẩn mực kế toán số 04 và hướng dẫn tại Chế độ kế toán doanh nghiệp để thực hiện.

Tình huốn​g 20:

     Đơn vị thực hiện nghiên cứu làm Dự án BĐS, tuy nhiên trong quá trình thực hiện nghiên cứu, nhận thấy Dự án không hiệu quả hoặc không được Nhà nước cho phép thực hiện do không đạt kỳ vọng. Xin hỏi : Các chi phí nghiên cứu Dự án có được coi là chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN ?

Trả lời:

    Theo quy định hiện hành về thuế TNDN, các chi phí nghiên cứu đầu tư dự án BĐS nhưng không khả thi sẽ không được coi là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Bởi vì, các chi phí này thực tế đã chi ra song không có liên quan đến việc tạo ra doanh thu và thu nhập trong kỳ.