Ngày đăng: 15/10/2014 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp thuế thu nhập cá nhân | Lượt xem: 2024


     

Câu 1

    Trường hợp tôi góp vốn kinh doanh với một người khác để thành lập công ty có hai thành viên góp vốn, nhưng tôi lại chuyển nhượng lại số vốn góp đó cho người khác thì thuế TNCN được tính như thế nào?

Trả lời

1. Trường hợp bạn góp vốn kinh doanh với một người khác để thành lập công ty có hai thành viên góp vốn, nhưng bạn lại chuyển nhượng lại số vốn góp đó cho người khác thì thuế TNCN được tính theo hướng dẫn tại khoản 1, điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC, thuế TNCN phải nộp đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế × Thuế suất 20%

Trong đó:

– Thu nhập tính thuế được xác định theo tiết a, khoản 1, điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

– Thuế suất thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp áp dụng theo Biểu thuế toàn phần với thuế suất là 20%(quy định tại khoản 2, điều 23 Luật thuế TNCN)

– Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Riêng đối với trường hợp góp vốn bằng phần vốn góp thì thời điểm xác định thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Trích tiết a, khoản 1, điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC:

“a) Thu nhập tính thuế: thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn chuyển nhượng và các chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng ngoại tệ, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng và giá mua của phần vốn chuyển nhượng được xác định bằng đồng ngoại tệ. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán kế toán bằng đồng Việt Nam, cá nhân chuyển nhượng vốn góp bằng ngoại tệ thì giá chuyển nhượng phải được xác định bằng đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm chuyển nhượng.

a.1) Giá chuyển nhượng

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

a.2) Giá mua

Giá mua của phần vốn chuyển nhượng là trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng vốn.

Trị giá phần vốn góp tại thời điểm chuyển nhượng bao gồm: trị giá phần vốn góp thành lập doanh nghiệp, trị giá phần vốn của các lần góp bổ sung, trị giá phần vốn do mua lại, trị giá phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn. Cụ thể như sau:

a.2.1) Đối với phần vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ.

a.2.2) Đối với phần vốn góp bổ sung là trị giá phần vốn góp bổ sung tại thời điểm góp vốn bổ sung. Trị giá vốn góp bổ sung được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ.

a.2.3) Đối với phần vốn do mua lại là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp. Trường hợp hợp đồng mua lại phần vốn góp không có giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá mua theo pháp luật về quản lý thuế .

a.2.4) Đối với phần vốn từ lợi tức ghi tăng vốn là giá trị lợi tức ghi tăng vốn.

a.3) Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo quy định, cụ thể như sau:

a.3.1) Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng.

a.3.2) Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng.

a.3.3) Các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn.”

Câu 2

a. Cá nhân cư trú có 3 tháng làm việc tại Nhật Bản khi quyết toán dồn hết thu nhập về Việt Nam để quyết toán. Theo TT 119 thay đổi thì có được hồi tố lại quyết toán TNCN 2013, 2012 không?

b. Tổng cục thuế có các biểu mẫu về giấy xác định nghĩa vụ nộp thuế của cục thuế Nhật Bản, Hàn Quốc bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Anh không? Cũng như biểu mẫu xác nhận nghĩa vụ đóng bảo hiểm của các nước trên?

Trả lời

a. Thông tư số 119 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/09/2014. Tại Điều 2 của Thông tư 119 Sửa đổi, bổ sung các khổ 1, 2, 3, 4 Điều 1 Thông tư số 111/2013/TT-BTC không quy định việc áp dụng hồi tố các quy địnhu sửa đổi tại Điều này. Do đó, quy định mới không áp dụng cho quyết toán thuế TNCN của các năm 2012 và 2013.

b. Các biểu mẫu về giấy xác định nghĩa vụ nộp thuế của mỗi nước do pháp luật thuế mỗi nước quy định. Khi cung cấp cho cơ quan thuế Việt Nam các giấy xác nhận phù hợp với yêu cầu của pháp luật thuế Việt Nam và các Hiệp định tránh đánh thuế trùng thì các giấy tờ này đều phải được hợp pháp hóa lãnh sự (xác thực của cơ quan lãnh sự của nước đó tại Việt Nam).

Câu 3

a. Công ty tại Việt Nam (Công ty A) và một công ty Nhật Bản (công ty N) ký với nhau một thỏa thuận về điều động nhân sự. Theo đó 1 người nước ngoài (Ông K) sang Việt Nam làm việc tại Việt nam với thời gian 3 năm. Toàn bộ chi phí cho Ông K (tiền lương, tiền thuê nhà…) tại Việt Nam đều do công ty A trả thay công ty N. Sau hàng quý công ty N hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó cho công ty A. Vậy khi trả lương cho ông K, công ty A có phải khấu trừ thuế TNCN hay không?

b. Nếu có khấu trừ thuế TNCN của ông K tại Việt Nam thì sử dụng phương pháp thế nào để tránh đánh thuế 2 lần?

Trả lời

a. Ông K làm việc tại VN thời gian 3 năm, là người cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật thuế TNCN. Do đó, ông K phải nộp thuế TNCN tại Việt Nam (theo Biểu lũy tiến từng phần theo quy định tại tiết b.3, khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC) đối với toàn bộ thu nhập ông K có được: “Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.”

b. Việc áp dụng Hiệp định về tránh đánh thuế trùng được tính đối với thời gian ông K vào Việt Nam và thời gian ông K rời Việt Nam (nếu là lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam) theo quy định tại điều 2, thông tư 119/2014/TT- BTC ngày 25/8/2014 của  Bộ Tài chính:

    “Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.”

   Theo đó, trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân được tính từ tháng đến Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng) không phải thực hiện các thủ tục xác nhận lãnh sự để được thực hiện không thu thuế trùng hai lần theo Hiệp định tránh đánh thuế trùng giữa hai quốc gia.