Ngày đăng: 13/12/2014 | Chuyên mục: Tin tức | Lượt xem: 1732


      

 TÌNH HUỐNG VỀ XÁC ĐỊNH CHI PHÍ ĐƯỢC TRỪ KHI TÍNH THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

   Các khoản chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2/8/2014. 

Tình huống:

      – Đối với các khoản thưởng các ngày lễ tết, đơn vị không quy định trong hợp đồng nhưng có quy định trong thỏa ước lao động tập thể và quy chế chi tiêu nội bộ các mức thưởng của từng ngày lễ tết (mức tối thiểu và tối đa) ngoài ra, từng ngày lễ tết đơn vị đều ra thông báo quy định cụ thể từng mức thưởng và điều kiện được thưởng. Vậy các chi phí tiền thưởng đó có được coi là chi phí hợp lý hợp lệ và được trừ khi tính thuế TNDN không?

     – Đối với lao động thời vụ, đơn vị đều có hợp đồng lao động, bảng lương, bản cam kết và quyết toán thuế TNCN. Trường hợp cơ quan thuế nói chữ ký bảng lương và hợp đồng không giống nhau thì cách thức xử lý như thế nào? đơn vị có hợp đồng với CĐT, xuất hóa đơn và nộp thuế đầy đủ.

Trả lời:

TỔNG CỤC THUẾ

CỤC THUẾ TP HÀ NỘI

  CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

      Số: 61364 /CT-HTr 

    V/v trả lời chính sách thuế

   Hà Nội, ngày 03 tháng12 năm 2014

*/ Về chi phí hợp lý hợp lệ:Cục thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

Căn cứ điểm 2.5b, khoản 2, Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/06/2014 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ.

– Tại khoản 1; Điểm 2.5b, khoản 2, Điều 6 qui định về các khoản không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế:

“1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp;

b) Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.

c) Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:

 2.5. Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

b) Các khoản tiền lương, tiền thưởng cho người lao động không được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty”.

    Căn cứ các qui định nêu trên, trường hợp đơn vị phát sinh khoản chi về tiền thưởng (ngày lễ, tết) được ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng trong thỏa ước lao động tập thể; Qui chế thưởng, mức thưởng của từng ngày lễ, tết do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty thì khoản chi thưởng nêu trên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế để tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

*/ Về chữ ký trên bảng lương:

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 về kế toán qui định cụ thể như sau:

– Tại khoản 1.g Điều 17, Mục 1, Chương II quy định về chứng từ kế toán:

“Điều 17. Nội dung chứng từ kế toán

1. Chứng từ kế toán phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

g) Chữ ký, họ và tên của người lập, người duyệt và những người có liên quan đến chứng từ kế toán.”

– Tại khoản 5, Điều 19, Mục 1, Chương II quy định về lập chứng từ kế toán:

“Điều 19. Lập chứng từ kế toán

5. Người lập, người ký duyệt và những người khác ký tên trên chứng từ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung của chứng từ kế toán”.

-Tại khoản 1, Điều 20, Mục 1, Chương II quy định về ký chứng từ kế toán:

Điều 20. Ký chứng từ kế toán

1. Chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng bút mực. Không được ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất”.

   Căn cứ các qui định nêu trên, trường hợp đơn vị ký hợp đồng lao động và thực hiện trả lương trực tiếp cho cán bộ, công nhân viên bằng tiền mặt thì bảng thanh toán tiền lương là một chứng từ kế toán. Vì vậy, để đảm bảo tính pháp lý của chứng từ kế toán, cán bộ, công nhân viên của công ty khi nhận lương phải thực hiện ký nhận trên bảng thanh toán tiền lương, chữ ký trên bảng lương của một người phải thống nhất.

   Cục thuế TP Hà Nội thông báo để Cổng thông tin điện tử – Bộ Tài chính biết và hướng dẫn độc giả thực hiện theo đúng quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đã được trích dẫn tại văn bản này.