Ngày đăng: 11/08/2014 | Chuyên mục: Nghiệp vụ thuế | Lượt xem: 2202


     

   Ngày 31/3/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/TT-BTC ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Thông tư số 39/2014/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2014 và có một số nội dung cần lưu ý như sau:

 

1. Loại hoá đơn:            

   Không còn quy định về hóa đơn xuất khẩu, do đó, khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, sử dụng hóa đơn GTGT (đối với đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ) và hóa đơn bán hàng (đối với đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp).

   Từ ngày 1/6/2014, cơ quan thuế không tiếp nhận Thông báo phát hành hóa đơn xuất khẩu.

   Trường hợp các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh chưa sử dụng hết các số hóa đơn xuất khẩu đã đặt in và thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính và vẫn có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì đăng ký số lượng hóa đơn xuất khẩu còn tồn và gửi đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp chậm nhất là ngày 31/7/2014 (Mẫu số 3.12 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư).

   Từ ngày 01/8/2014, các số hóa đơn xuất khẩu còn tồn đã đăng ký được tiếp tục sử dụng. Các số hóa đơn xuất khẩu chưa đăng ký hoặc đăng ký sau ngày 31/7/2014 không có giá trị sử dụng. Doanh nghiệp thực hiện huỷ hoá đơn xuất khẩu theo hướng dẫn tại Điều 29 của Thông tư  và sử dụng hóa đơn GTGT, hóa đơn bán hàng cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài.

2. Phát hành hoá đơn của tổ chức kinh doanh:

     Bổ sung hướng dẫn:

Căn cứ vào nhu cầu sử dụng hoá đơn và việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng hoá đơn của tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định số lượng hoá đơn được thông báo phát hành để sử dụng từ 3 tháng đến 6 tháng tại Thông báo phát hành hoá đơn của tổ chức, doanh nghiệp.”

3. Đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế:

3.1. Đối tượng được cơ quan thuế bán hóa đơn

     Bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế gồm:

c) Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu.

d) Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế;

đ) Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Doanh nghiệp hướng dẫn tại điểm d, đ mua hoá đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng. Hết thời gian 12 tháng, căn cứ tình hình sử dụng hoá đơn, việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và đề nghị của doanh nghiệp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế có văn bản thông báo doanh nghiệp chuyển sang tự tạo hoá đơn để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế nếu không đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn (mẫu số 3.15 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).”

3.2. Các trường hợp khác thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế: thực hiện theo Điều 11 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

4. Bán hoá đơn do Cục Thuế đặt in

   Bổ sung trách nhiệm của tổ chức, hộ, cá nhân khi mua hóa đơn phải có đơn đề nghị mua hoá đơn và bổ sung văn bản cam kết về địa chỉ sản xuất kinh doanh.

5. Lập hoá đơn

Đối với phần còn trống trên hóa đơn: Trường hợp hoá đơn tự in hoặc hoá đơn đặt in được lập bằng máy tính nếu có phần còn trống trên hoá đơn thì không phải gạch chéo.

Bổ sung hướng dẫn về cách lập tiêu thức “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua” như sau:

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: "Phường" thành "P"; "Quận" thành "Q", "Thành phố" thành "TP", "Việt Nam" thành "VN" hoặc "Cổ phần" là "CP", "Trách nhiệm Hữu hạn" thành "TNHH", "khu công nghiệp" thành "KCN", "sản xuất" thành "SX", "Chi nhánh" thành "CN"… nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp”.

  • Bổ sung hướng dẫn về cách lập tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”:

Khi lập hóa đơn cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ ra nước ngoài, trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký của người mua nước ngoài

6. Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn

     Bổ sung hướng dẫn về việc báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng đối với doanh nghiệp mới thành lập, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hoá đơn của cơ quan thuế.

7. Hóa đơn in trực tiếp từ máy tính tiền:

    Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

8. Xử lý chuyển tiếp

   Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đang sử dụng hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in trước ngày Thông tư có hiệu lực thi hành nếu không thuộc đối tượng chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì vẫn thuộc đối tượng được tạo hóa đơn tự in, hóa đơn đặt in.

    Đối với hóa đơn đặt in, tự in doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh đã thực hiện Thông báo phát hành theo hướng dẫn tại Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010, Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính thì được tiếp tục sử dụng.

>>> Xem chi tiết TT 39/2014/TT-BTC tại đây!