Ngày đăng: 10/09/2014 | Chuyên mục: Tài liệu kế toán | Lượt xem: 1876


     

TÀI KHOẢN LOẠI 3 – NỢ PHẢI TRẢ

   Tài khoản loại 3 dùng để phản ánh các khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp phải trả, phải thanh toán cho các chủ nợ, bao gồm các khoản nợ tiền vay, các khoản nợ phải trả cho người bán, cho Nhà nước, cho công nhân viên và các khoản phải trả khác.

I – Nợ phải trả của doanh nghiệp

Nợ phải trả của doanh nghiệp gồm: Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

1. Nợ ngắn hạn:

Là khoản tiền mà doanh nghiệp có trách nhiệm trả trong vòng một năm hoặc trong một chu kỳ kinh doanh bình thường.

Nợ ngắn hạn gồm các khoản:

– Vay ngắn hạn;

– Khoản nợ dài hạn đến hạn trả;

– Các khoản tiền phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu;

– Thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước;

– Tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng phải trả cho người lao động;

– Các khoản chi phí phải trả;

– Các khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn;

– Các khoản phải trả ngắn hạn khác.

– Quỹ khen thưởng, phúc lợi

2. Nợ dài hạn:

Là các khoản nợ mà thời gian trả nợ trên một năm.

Nợ dài hạn gồm các khoản:

– Vay dài hạn cho đầu tư phát triển;

– Nợ dài hạn phải trả;

– Trái phiếu phát hành;

– Các khoản nhận ký quỹ, ký cược dài hạn;

– Thuế thu nhập hoãn lại phải trả;

– Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm;

– Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

– Dự phòng phải trả.

– Các khoản nợ phải trả dài hạn khác

II – Hạch toán tài khoản loại 3 cần tôn trọng một số quy định

1. Các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp phải được theo dõi chi tiết số nợ phải trả, số nợ đã trả theo từng chủ nợ.

2. Các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp phải được phân loại thành nợ ngắn hạn và nợ dài hạn căn cứ vào thời hạn phải thanh toán của từng khoản nợ phải trả.

3. Nợ phải trả bằng vàng, bạc, kim khí quý, đá quý được kế toán chi tiết cho từng chủ nợ, theo chỉ tiêu số lượng, giá trị theo giá qui định.

4. Cuối niên độ kế toán, số dư của các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ phải được đánh giá theo tỷ giá quy định.

5. Những chủ nợ mà doanh nghiệp có quan hệ giao dịch, mua hàng thường xuyên hoặc có số dư về nợ phải trả lớn, bộ phận kế toán phải kiểm tra, đối chiếu về tình hình công nợ đã phát sinh với từng khách hàng và định kỳ phải có xác nhận nợ bằng văn bản với các chủ nợ.

6. Các tài khoản nợ phải trả chủ yếu có số dư bên Có, nhưng trong quan hệ với từng chủ nợ, các Tài khoản 331, 333, 334, 338 có thể có số dư bên Nợ phản ánh số đã trả lớn hơn số phải trả. Cuối kỳ kế toán, khi lập báo cáo tài chính cho phép lấy số dư chi tiết của các tài khoản này để lên hai chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn” của Bảng Cân đối kế toán.

III – Nhóm tài khoản kế toán

Loại Tài khoản Nợ phải trả có 16 tài khoản, chia thành 4 nhóm:

Nhóm Tài khoản 31 – Nợ ngắn hạn, có 2 tài khoản:

    – Tài khoản 311 – Vay ngắn hạn;

    – Tài khoản 315 – Nợ dài hạn đến hạn trả.

Nhóm Tài khoản 33 – Các khoản phải trả khác, có 5 tài khoản:

    – Tài khoản 331 – Phải trả cho người bán;

    – Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước;

    – Tài khoản 334 – Phải trả người lao động;

    – Tài khoản 335 – Chi phí phải trả;

    – Tài khoản 338 – Phải trả, phải nộp khác.

Nhóm Tài khoản 34 – Nợ dài hạn, có 1 tài khoản:

    – Tài khoản 341 – Vay dài hạn;

Nhóm Tài khoản 35 – Dự phòng, có 4 tài khoản:

    – Tài khoản 351 – Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm;

    – Tài khoản 352 – Dự phòng phải trả.

    – Tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi

    – Tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ

>>> Mời bạn xem thêm : Cách hạch toán kế toán các loại tài khoản 3 nhé!