Ngày đăng: 22/07/2015 | Chuyên mục: Chuyên đề hỏi đáp, Hỏi đáp thuế giá trị gia tăng | Lượt xem: 3035


      

GIẢI ĐÁP TÌNH HUỐNG VỀ NGHĨA VỤ THUẾ GTGT

Tình huống 1:

    Doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện, thuê đơn vị vận tải chuyển hàng đến đại lý. Trên đường đi, xe gặp tai nạn, toàn bộ số hàng bị hư hỏng hoàn toàn. Theo quy đinh trong hợp đồng, đơn vị vận tải đã chuyển tiền bồi thường toàn bộ số hàng bị hư hỏng theo giá bán cho đại lý. Doanh nghiệp sản xuất xe đạp điện đã xuất hóa đơn.

Xem thêm:

>> Hoàn thuế GTGT

>> Các vấn đề liên quan đến hoàn thuế GTGT điện tử

Trả lời:

    Theo quy định tại khoản 1 điều 5 Thông tư 219 :” 1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.”

    Như vậy, số tiền bồi thường nêu trên thuộc đối tượng không phải kê khai, nộp thuế GTGT. Một vấn đề nữa ta cần chú ý trong trường hợp này là việc có hay không xuất hóa đơn, cũng tại khoản này của Thông tư 219 : “Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.” – điều đó có nghĩa là không cần xuất hóa đơn cho trường hợp này, các bên chỉ cần lập chứng từ thu chi ghi nhận nghiệp vụ kinh tế phát sinh là xong. 

   Do vậy, trong tình huống nêu trên, doanh nghiệp xe đạp điện xuất hóa đơn là sai. Một thủ tục cần làm là doanh nghiệp phải thu hồi lại hóa đơn đã lập sai.

Tình huống 2:

   Doanh nghiệp chăn nuôi lợn, bán lô hàng 20 con lợn con cho siêu thị. Theo hợp đồng, doanh nghiệp phải mổ và giao cho siêu thị thịt lợn tươi. Tuy nhiên, sát đến giờ giao, siêu thị lại nhờ doanh nghiệp quay số lợn đó để giao cho một số nhà hàng đặt trước.

Trả lời:

  Theo quy định tại khoản 1 điều 4 Thông tư 219 : “1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.”

   Nếu chỉ dừng lại ở việc trả sản phẩm thịt lợn tươi sống, nghiệp vụ này đơn giản theo đúng quy định nêu trên, tức là thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

   Nhưng do tình huống phát sinh, siêu thị lại nhờ thui – tức là chế biến. Đến đây, nhiều người có thể lý luận : nghiệp vụ này chia ra hai giai đoạn, giai đoạn 1 là bán thịt lợn tươi sống (sơ chế) nên thuộc đối tượng không chịu thuế. Giai đoạn 2 là thui – tức là DN làm dịch vụ chế biến nhận tiền công, vậy chỉ có tiền công thui lợn sẽ chịu thuế suất thuế GTGT là 10%. Nhưng điểm mấu chốt ở đây là “Sát đến giờ giao”, tức là hàng chưa được chuyển quyền sở hữu, vẫn thuộc của doanh nghiệp chắn nuôi, và khi đến tay người mua, sản phẩm đã là qua chế biến (thui), nên thuộc đối tượng chịu thuế với thuế suất 10%.

Tình huống 3:

   Sau cơn lốc chiều ngày 13/6 vừa qua, siêu thị LOC bị bay mất biển hiệu to trước cửa. Do là khách hàng lớn, siêu thị được nhà cung cấp mặt hàng sữa ủng hộ 50% tiền làm biển.

Trả lời:

   Cũng theo quy định tại khoản 1 điều 5 TT 219 :” 1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền, tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.”

   Nếu tình huống dừng lại ở đây, khoản tiền hỗ trợ này sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế. 

   Nhưng sẽ là không đầy đủ, nếu ta không hiểu thêm quy định :"Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.” – tức là nếu ở tình huống 3, trong điều khoản hỗ trợ có thêm nội dung : trên biển tên của siêu thị phải có logo hay hình ảnh, slogan của hãng sữa thì siêu thị phải xuất hóa đơn GTGT với thuế suất 10%.

Tình huống 4:

   Doanh nghiệp kinh doanh hoạt động giải trí thanh lý tài sản, trong đó có lô súng bắn đạn sơn (dùng cho chơi trò trận giả) trị giá 150 triệu đồng.

Trả lời:

   Theo quy định tại khoản 18 điều 4 Thông tư 219 :" a) Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ QUỐC PHÒNG, AN NINH theo Danh mục vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh do Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an ban hành.”

   Súng bắn sơn không thể phục vụ quốc phòng, an ninh nên không thuộc đối tượng không chịu thuế (nguyên gốc của từ Súng bắn sơn tiếng Anh là Paintball, không gọi là súng).

Tình huống 5:

   Đại lý thuế Fosa phát hành 10.000 quyển giáo trình “Kế toán thực tế – cầm tay chỉ việc” trên toàn quốc, giá bán 500.000 đồng/quyển.

Trả lời:
    
Theo khoản 15 điều 4 Thông tư 219 : “Giáo trình là sách dùng để giảng dạy và học tập trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.”

    Như vậy, cho dù có tự cho đó là “Giáo trình”, đối tượng này vẫn phải chịu thuế suất 5% theo quy định tại khoản 14 điều 10 Thông tư 219 “14. Đồ chơi cho trẻ em; Sách các loại, trừ sách không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại khoản 15 Điều 4 Thông tư này.”