Ngày đăng: 09/09/2014 | Chuyên mục: Tài liệu kế toán | Lượt xem: 2161


     

CÁCH HẠCH TOÁN TÀI KHOẢN 221 – ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH DÀI HẠN

   Tài khoản 221 – đầu tư tài chính dài hạn dùng để phản ánh các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tình hình thu hồi các khoản đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp bao gồm:

>> Hướng dẫn hạch toán tài khoản 152 – Nguyên liệu, vật liệu

>> Hướng dẫn hạch toán tài khoản 211 – Tài sản cố định

1. Các khoản vốn góp liên doanh:

    Liên doanh là thoả thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên để cùng thực hiện hoạt động kinh tế, mà hoạt động này được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn liên doanh. Có 3 hình thức liên doanh chủ yếu sau:

  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh hoạt động kinh doanh được đồng kiểm soát(hay còn gọi là hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát)
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức liên doanh tài sản được đồng kiểm soát( hay còn gọi là tài sản đồng kiểm soát)
  • Hợp đồng liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh được đồng kiểm soát( hay còn gọi là cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát)

Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát được thành lập bởi các bên góp vốn liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát là cơ sở kinh doanh mới được thành lập có hoạ động độc lập giống như hoạt động của một doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chịu sự kiểm soát của các bên góp vốn liên doanh theo hợp đồng liên doanh. Cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, các khoản nợ phải trả, doanh thu, thu nhập khác và chi phí phát sinh tại đơn vị mình.

2. Các khoản đầu tư vào công ty liên kết: Là khoản đầu tư mà nhà đầu tư nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 20 % đến dưới 50% vốn chủ sở hữu( từ 20% đến dưới 50% quyền biểu quyết) của bên nhận đầu tư mà không có thoả thuận khác.

3. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn khác: Là các khoản đầu tư tài chính dài hạn ngoài các khoản vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và các khoản đầu tư vào công ty liên kết như: đầu tư trái phiếu, đầu tư cổ phiếu, hoặc đầu tư vào đơn vị khác mà chỉ nắm giữ dưới 20% vốn chủ sở hữu (dưới 20% quyền biểu quyết…) và thời hạn thu hồi hoặc thanh toán vốn trên 1 năm.

I – Kết cấu và nội dung phản ánh tài khoản 221 – đầu tư tài chính dài hạn

Bên Nợ:

  • Số vốn góp liên doanh đã góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát tăng
  • Giá gốc khoản đầu tư vào công ty liên kết tăng
  • Giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác tăng.

Bên Có:

  • Số vốn góp liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát giảm do đã thu hồi, chuyển nhượng, do không còn quyền đồng kiểm soát.
  • Giá gốc khoản đầu tư vào công ty liên kết giảm do nhận lại vốn đầu tư hoặc thu được các khoản lợi nhuận ngoài lợi ích ngoài lợi nhuận được chia
  • Giá trị các khoản đầu tư dài hạn khác giảm

Tài khoản 221 – “Đầu tư tài chính dài hạn”, có 3 tài khoản cấp 2:

  • Tài khoản 2212 – Vốn góp liên doanh: Tài khoản này dùng để phản ánh toàn bộ vốn góp liên doanh dưới hình thức lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và tình hình thu hồi lại vốn góp liên doanh.
  • Tài khoản 2213 – Đầu tư vào công ty liên kết: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị khoản đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư vào công ty liên kết và tình hình biến động tăng, giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty liên kết
  • Tài khoản 2218 – Đầu tư tài chính dài hạn khác: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại đầu tư tài chính dài hạn khác ( ngoài khác khoản vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát , đầu tư vào công ty liên kết), như: Đầu tư trái phiếu, đầu tư cổ phiếu, hoặc đầu tư vào đơn vị khác mà chỉ nắm giữ dưới 20% vốn chủ sở hữu ( dưới 20% quyền biểu quyết)… và thời hạn thu hồi hoặc thanh toán vốn trên 1 năm.

II – Phương pháp hạch toán kế toán tài khoản 221 – đầu tư tài chính dài hạn khác

A. Kế toán các khoản góp vốn liên doanh

1. Khi góp vốn liên doanh dưới hình thức thành lập cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2212)

Có TK 111,112….

2. Khi góp vốn liên doanh vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát bằng vật tư, hàng hoá, TSCĐ thì giá trị vốn góp liên doanh được ghi nhận theo giá đánh giá của các bên góp vốn liên doanh

  • Trường hợp giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ kế toán của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi góp vốn, ghi:

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2212)( Theo giá đánh giá lại)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ ( Giá trị hao mòn)

Nợ TK 811 – Chi phí khác ( Số chênh lệch giữa giá trị ghi sổ kế toán của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ, ghi:

Có các TK 152,153,155,156,611 ( Giá trị ghi sổ kế toán)

Có TK 211 – TSCĐ (2111,2113) (Nguyên giá)

Có TK 711 – Thu nhập khác ( Số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ kế toán của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ).

3. Khi bên góp vốn liên doanh được chia lợi nhuận nhưng sử dụng số lợi nhuận được chia để góp thêm vốn vào liên doanh, ghi:

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2212)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

4. Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn liên doanh phát sinh trong kỳ như lãi tiền vay để góp vốn, các chi phí khác, ghi:

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính

Có TK 111, 112 ….

5. Phản ánh các khoản lợi nhuận từ hoạt động góp vốn liên doanh phát sinh trong kỳ:

  • Khi nhận được thông báo về số lợi nhuận được chia của cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (1388)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

  • Khi nhận được tiền, ghi:

Nợ TK 111, 112 ( Số tiền nhận được)

Có TK 138 – Phải thu khác ( 1388)

6. Kế toán thu hồi vốn góp vào cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát khi kết thúc hợp đồng liên doanh hoặc cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát chấm dứt hoạt động căn cứ vào chứng từ giao nhận của các bên tham gia liên doanh, ghi:

Nợ TK 111, 112,152,153,211 … ( Giá trị thu hồi)

Nợ TK 635 – Chi phí tài chính( Số chênh lệch giữa giá trị thu hồi nhỏ hơn giá trị góp vốn)

Có TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2212) ( Theo giá đánh giá lại)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính ( Số chênh lệch giữa giá trị thu hồi lớn hơn giá trị góp vốn)

B. Kế toán các khoản góp vốn đầu tư vào công ty liên kết

1. Khi đầu tư vào công ty liên kết dưới hình thức mua cổ phiếu, hoặc góp vốn bằng tiền, căn cứ vào số tiền thực tế chi, nhà đầu ghi:

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn(2213)

Có TK 111, 112 ….

2. Trường hợp nhà đầu tư đã nắm giữ một khoản đầu tư dưới 20% quyền biểu quyết vào một công ty xác định, khi nhà đầu tư mua sắm thêm cổ phiếu hoặc góp thêm vốn vào công ty đó để trở thành nhà đầu tư có ảnh hưởng đáng kể đối với bên nhận đàu tư, nhà đầu tư ghi:

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn(2213)

Có TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2218) ( Toàn bộ các khoản đầu tư dưới 20%)

Có TK 111, 112 … ( Số tiền đầu tư thêm)

3. Đầu tư vào công ty liên kết dưới hình thức góp vốn bằng vật tư, hàng hoá, TSCĐ, căn cứ vào giá trị đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ được thoả thuận giữa nhà đầu tư và công ty liên kết, ghi:

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2213)

Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ

Nợ TK 811 – Chi phí khác( Nếu đánh giá lại của vật tư, hàng hoá TSCĐ nhỏ hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ)

Có TK 152, 153, 156,211…

Có TK 711 – Thu nhập khác (Nếu đánh giá lại của vật tư, hàng hoá TSCĐ lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ)

4. Khi nhận được thông báo chính thức của công ty liên kết về số cổ tức, lợi nhuận được chia, nhà đầu tư ghi:

Nợ TK 138 – Phải thu khác( Số tiền chưa nhận về cổ tức lợi nhuận được chia)

Nợ TK 221 – Đầu tư tài chính dài hạn (2213)(Nếu dùng lợi nhuận được chia để bổ sung vốn góp)

Có TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính

Khi thực nhận tiền, ghi:

Nợ TK 111, 112…

Có TK 138 – Phải thu khác