Ngày đăng: 12/08/2014 | Chuyên mục: Văn bản mới nhất | Lượt xem: 2511


Thuộc tính văn bản

Số hiệu
222/2013/NĐ - CP
Nơi ban hành
Chính Phủ
Ngày ban hành
31/12/2013
Phân loại
Nghị Định
Người ký
Nguyễn Tấn Dũng
Ngày hiệu lực
01/03/2014

Tóm tắt văn bản

Một số nội dung thay đổi cơ bản chủ yếu của Nghị định 222 như sau:
- Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 222 quy định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam. Nghị định 222 không liệt kê cụ thể như Nghị định 161 mà quy định chung về thanh toán bằng tiền mặt; đồng thời nâng cao vai trò quản lý nhà nước của một số Bộ, ngành về thanh toán bằng tiền mặt.
- Về đối tượng áp dụng, Nghị định 222 mở rộng đối tượng áp dụng đến các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt nói chung (không chỉ giới hạn ở đối tượng sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước và có giao dịch tiền mặt với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán như quy định tại Nghị định 161).
- Về hoạt động thanh toán đối với giao dịch chứng khoán, Nghị định 222 quy định tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau: Giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán; Giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.
- Quy định mới tại Nghị định 222 xuất phát từ thực tế hiện nay, các giao dịch thanh toán chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán hầu hết đã thực hiện thanh toán qua ngân hàng (người tham gia giao dịch chứng khoán phải mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch); các tổ chức, cá nhân tham gia các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán đều có tài khoản thanh toán, các giao dịch chứng khoán chủ yếu diễn ra ở những thành phố, khu vực có hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng và chịu sự quản lý của Trung tâm Lưu ký chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
- Về hoạt động thanh toán đối với giao dịch tài chính của doanh nghiệp, Nghị định 222 quy định các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch sau: Góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp; giao dịch vay và cho vay lẫn nhau giữa các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng.
- Nghị định 222 bổ sung các nội dung này dựa trên đề xuất của Bộ Tài chính. Trên những chứng từ đã phát sinh cơ quan chức năng (Cơ quan Thuế, Kiểm toán…) có thể quản lý, làm cơ sở tính thuế và kiểm tra giám sát việc thực hiện quy định liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt của doanh nghiệp. Mặt khác, đối tượng điều chỉnh là doanh nghiệp nên đều có tài khoản thanh toán, do đó những quy định này bảo đảm tính khả thi.
- Về giải ngân vốn cho vay, giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là hoạt động liên quan đến sử dụng nhiều tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể tại Thông tư 09/2012/TT-NHNN ngày 10/4/2012.
- Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 09/2012/TT-NHNN cho thấy quy định này là cần thiết và rất khả thi trong thực tiễn vì vậy quy định về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được đưa vào Nghị định 222 để nâng cao hiệu lực pháp lý của quy định.

     

 Tải file đính kèm!

CHÍNH PHỦ
 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 222/2013/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2013


NGHỊ ĐỊNH

Về thanh toán bằng tiền mặt

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về thanh toán bằng tiền mặt và quản lý nhà nước về thanh toán bằng tiền mặt trong một số giao dịch thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán bằng tiền mặt.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

2. Thanh toán bằng tiền mặt là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tiền mặt để trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.

3. Dịch vụ tiền mặt là hoạt động của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước cung cấp cho khách hàng trong việc nộp, rút tiền mặt hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến tiền mặt.

4. Tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước là đơn vị dự toán, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cơ quan, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

5. Tổ chức sử dụng vốn nhà nước là tổ chức có sử dụng vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư khác của Nhà nước.

Chương II

THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT ĐỐI VỚI MỘT SỐ GIAO DỊCH THANH TOÁN

Điều 4. Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và tổ chức sử dụng vốn nhà nước

1. Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 5. Giao dịch chứng khoán

1. Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán.

2. Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

Điều 6. Giao dịch tài chính của doanh nghiệp

1. Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

2. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Điều 7. Giải ngân vốn cho vay

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện giải ngân vốn cho vay đối với khách hàng bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Điều 8. Thỏa thuận và đăng ký về nhu cầu rút tiền mặt

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thỏa thuận với khách hàng về kế hoạch rút tiền mặt và việc khách hàng thông báo trước khi rút tiền mặt với số lượng lớn.

2. Các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước có nhu cầu rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước thực hiện việc đăng ký theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 9. Phí dịch vụ tiền mặt

1. Ngân hàng Nhà nước ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định mức phí dịch vụ tiền mặt đối với khách hàng của mình và niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

VÀ CÁC BÊN CÓ LIÊN QUAN

Điều 10. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước

1. Hướng dẫn thực hiện Khoản 2 Điều 4, Điều 7 và Điều 9 của Nghị định này.

2. Làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị định này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Làm đầu mối phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và thực hiện kế hoạch thông tin tuyên truyền phục vụ triển khai thực hiện Nghị định này.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Tài chính

Hướng dẫn thực hiện Khoản 1 Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Điều 12. Trách nhiệm các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo công tác tuyên truyền và triển khai tới các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nghị định này.

2. Các Bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp và báo cáo định kỳ hàng năm tình hình thực hiện Nghị định trong lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình, gửi Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2014.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 161/2006/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ quy định về thanh toán bằng tiền mặt.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: Văn thư, KTTH (3b)

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng